WHO: Khó có vũ khí đặc trị COVID-19
Hiện tại, các nhà khoa học đã có những tiến triển trong việc xác định các phương pháp điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 diễn tiến nặng, đồng thời một số loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong cuộc họp báo tại Geneva.
"Tuy nhiên, hiện tại không có biện pháp đặc hiệu nào và có thể sẽ không có bao giờ có", người đứng đầu WHO nhận định.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện chưa có loại thuốc đặc trị COVID-19 nào được Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, trong khi đại dịch COVID-19 đã lây lan cho hơn 18 triệu người dân toàn cầu và lấy đi mạng sống ít nhất 689.625 người.
Vào tháng 5, FDA đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc kháng virus remdesivir, cho phép các bệnh viện và bác sĩ kết hợp loại thuốc này điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mặc dù remdesivir chưa được phê duyệt chính thức. FDA đồng thời cũng cho biết họ đang xem xét thuốc dexamethasone, một loại steroid đã được cấp phép tại Anh để điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng khẳng định rằng mọi thứ sẽ không quay lại được trạng thái bình thường cho đến khi có vắc xin. Theo WHO, toàn thế giới đang phát triển hơn 150 loại vắc xin, ít nhất 25 loại đã được thử nghiệm lâm sàng.
Ngày 30/7, các quan chức quản lí cập cao tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết hai công ty dược Pfizer và Moderna đã tiêm vắc xin thử nghiệm giai đoạn ba cho hàng trăm người chỉ trong vài ngày vào tuần trước.
Ông Tedros cho biết, hiện tại, các nhà lãnh đạo thế giới có thể ngăn chặn những đợt bùng phát tiếp theo nếu thực hiện những biện pháp cơ bản kiểm soát dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
"Xét nghiệm, khoanh vùng và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 đồng thời truy vết, cách li các trường hợp tiếp xúc. Tuyên truyền và lắng nghe người dân, tất cả đều cần phải thực hiện", Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo.
Người dân có thể chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng cách tuân thủ các qui tắc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và che chắn khi có biểu hiện ho, ông Tedros nói.
"Thông điệp gửi đến người dân và chính phủ rất rõ ràng: Hãy làm mọi thứ có thể", ông Tedros khẳng định.
Đồng thời, khi kiểm soát được dịch bệnh, hãy tiếp tục kiểm soát, củng cố hơn hệ thống y tế, cải thiện khả năng giám sát, truy vết các trường hợp nhiễm bệnh và đảm bảo các dịch vụ y tế đang gián đoạn được tái khởi động lại nhanh nhất có thể, người đứng đầu WHO cho biết thêm.
Theo WHO, ngày 31/7 thế giới ghi nhận gần 300.000 ca nhiễm mới - mức cao nhất từ trước tới nay.
Tổ chức này cũng cảnh báo, với tình hình dịch bệnh đang leo thang ở Mỹ và các nước đang phát triển, việc quay trở lại trạng thái bình thường là điều khó xảy ra.
"Việc người dân muốn trở lại cuộc sống bình thường là điều có thể hiểu được, nhưng chúng ta sẽ không thể quay về được như cũ", ông Tedros nhận định ngày 23/7.
Song, ông cũng cho rằng, dù số ca nhiễm đang tăng cao ở Mỹ và ở những nước khác trên thế giới, chúng ta vẫn có cơ hội kiểm soát được chủng virus này.