WB cảnh báo làn sóng nợ công mới
Đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay mượn nhiều hơn và Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với làn sóng khủng hoảng nợ thứ năm.
Theo WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại trong năm nay, với nguy cơ gia tăng về suy thoái kinh tế thế giới vào năm 2023 trong bối cảnh thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ nhất trong 50 năm qua.
Do đó, ông Malpass cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện để giảm nợ, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện tái cơ cấu nhanh hơn, qua đó các quốc gia có thể tập trung vào chi tiêu hỗ trợ tăng trưởng và giảm nghèo.
WB chỉ rõ các nước nghèo nhất đủ điều kiện vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) hiện chi hơn 1/10 doanh thu xuất khẩu của họ để trả nợ công dài hạn và nợ nước ngoài được bảo lãnh và đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2000. Nợ nước ngoài của các quốc gia tham gia IDA cũng tăng gần gấp ba lần trong thập kỷ tính đến năm 2021.
WB cho biết nhìn bề ngoài, các chỉ số nợ dường như đã được cải thiện vào năm 2021, song điều này không đúng với các quốc gia IDA.
Thời gian gần đây nhất, thế giới từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nợ ở châu Á trong giai đoạn 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu (2009 - 2012). Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Á trong giai đoạn 1997 - 1998 bắt nguồn và bùng nổ ở Thái Lan (vào tháng 7 năm 1997), sau đó lan rộng ra phần còn lại của Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực châu Á.
Tương tự, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ nửa sau năm 2009 với sự gia tăng mức nợ công của nhóm các nước Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững và sự mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia.