|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ từ khối nợ 65.000 tỷ USD nằm ngoài báo cáo tài chính

15:19 | 06/12/2022
Chia sẻ
Quy ước kế toán đã giúp che khuất khoản nợ khổng lồ trị giá 65.000 tỷ USD, có nguy cơ gây ra rắc rối trên thị trường tài chính toàn cầu khi nguồn cung đồng USD đang bị thắt chặt.

Món nợ khổng lồ

65.000 tỷ USD là một con số khổng lồ, gần như không thể tưởng tượng được. Theo Bloomberg, con số này gấp 2,5 lần quy mô thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ, hoặc tương đương 14% tổng giá trị của tất cả tài sản tài chính toàn cầu, theo tổng hợp của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Con số này cũng là nợ bằng USD không được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ngoài nước Mỹ và ngân hàng bóng tối (shadow bank - hệ thống trung gian tài chính không chịu sự giám sát của cơ quan quản lý) tính đến tháng 6 năm nay, theo BIS - cơ quan được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương. Đồng thời, khoản nợ này cũng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2008.

Món nợ trị giá 65.000 tỷ USD trên là lời nhắc nhở về các mối quan hệ ngày càng khó theo dõi và khăng khít giữa hệ thống tài chính truyền thống và các trung gian tài chính không chịu sự quản lý.

Một loạt cuộc khủng hoảng nhỏ gần đây đã chỉ ra rằng những liên kết này là một phần lý do tại sao các ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp và ổn định thị trường trái phiếu chính phủ và tài sản khác khi mức độ căng thẳng gia tăng.

(Ảnh: Lam Yik/Bloomberg).

Món nợ 65.000 tỷ USD đang được nhắc đến không phải là các khoản vay hay trái phiếu, mà là nghĩa vụ thanh toán đối với các giao dịch mua bán ngoại tệ hoán đổi kỳ hạn. Những hợp đồng trên thường được ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài sử dụng để mua một tài sản dựa trên USD như trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Các giao dịch hoán đổi và kỳ hạn được bảo đảm hoàn toàn bằng tài sản và do đó tương đối an toàn. Khi sử dụng hợp đồng hoán đổi để vay USD, bên đi vay sẽ trả bằng nội tệ và cam kết bán lại USD vào một ngày nhất định trong tương lai, thường trong chưa đầy một năm. 

Rắc rối sẽ xảy ra khi USD trở nên khan hiếm hơn, nhất là đối với những người đi vay sử dụng hợp đồng hoán đổi ngắn hạn để mua tài sản dài hạn. Vấn đề trên từng xảy ra vào đầu đại dịch COVID và đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Nguồn cung USD bị siết chặt trên toàn cầu khiến những người vay nợ USD gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn. Nếu không có đủ USD, họ sẽ phải bán tháo tài sản và tạo ra vòng xoáy mất giá. Vào năm 2020 và 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng thỏa thuận hoán đổi với những ngân hàng trung ương (NHTW) khác nhằm đưa USD ra thế giới và xoa dịu tình trạng hỗn loạn.

Không nằm trong bảng cân đối kế toán

Những hợp đồng phái sinh hoán đổi và kỳ hạn nói trên thường bị ẩn khỏi bảng cân đối kế toán, nên không ai biết được con số chính xác. Và cũng chẳng ai có đủ thông tin để ngăn chặn sớm làn sóng thiếu hụt USD.

BIS lần đầu tiên nghiên cứu vấn đề trên vào năm 2017. Trong một báo cáo cập nhật hôm 5/12, BIS đã cảnh báo những khó khăn đối với ngân hàng trung ương trong việc tìm ra đối sách cho tình trạng khan hiếm USD trong thời khủng hoảng.

Các tác giả, dẫn đầu là ông Claudio Borio, người phụ trách bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS, cho biết: “Nợ USD nằm ngoài bảng cân đối kế toán đang không được quan tâm, cho đến khi thanh khoản USD bị siết chặt”.

Ngân hàng trung ương phải chờ đến khi sự hỗn loạn nổ ra để biết nơi nào cần USD. Và ngay cả những NHTW này cũng không biết chắc USD có đang đến nơi cần đến nhất hay không.

Khoản nợ 65.000 tỷ USD không được ghi nhận trên bảng cân đối do các quy ước của kế toán về hợp đồng phái sinh. Các ngân hàng, quỹ hưu trí và bảo hiểm chỉ phải ghi nhận mức rủi ro thuần của hợp đồng. Với hợp đồng hoán đổi ngoại tệ, mức rủi ro thuần ban đầu là 0, và sẽ tăng giảm tùy thuộc vào tỷ giá.

Quy ước kế toán trên phù hợp với đa số các hợp đồng phái sinh có thể được thanh lý bằng tiền mặt tương đương với giá trị ròng của hợp đồng.

Tuy nhiên, với các hợp đồng mua bán ngoại tệ hoán đổi và kỳ hạn, người đi vay sẽ phải kiếm và trả loại toàn bộ số USD cho bên kia để thanh lý hợp đồng. Do vậy, các hợp đồng trên khá giống với một khoản nợ.

Khoản nợ ẩn của các ngân hàng bóng tối đã phình to gấp đôi kể từ 2008.

Nghiên cứu của BIS cho thấy ngân hàng bóng tối đã nâng các khoản nợ trong hợp đồng hoán đổi và kỳ hạn lên 26.000 tỷ USD, gấp hai lần mức nợ bằng USD trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính này.

Các ngân hàng ngoài nước Mỹ đang có tới 39.000 tỷ USD nợ phải trả bằng USD, gấp hơn hai lần so với mức nợ bằng đồng bạc xanh được ghi nhận chính thức trên bảng cân đối kế toán. 

Tuy vậy, các nhà kinh tế vẫn không biết chính xác các khoản nợ trên được phân bổ trong những ngân hàng bóng tối như thế nào. 

Nợ ẩn của các ngân hàng thông thường cũng đang tăng nhanh hơn so với khoản nợ được ghi nhận.

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) và những cơ quan khác đang ngày càng tập trung vào vấn đề đòn bẩy ẩn, bởi nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu. BIS cũng đang lo ngại về sự thiếu minh bạch trong những rủi ro mà hệ thống ngân hàng đang có với thế giới ngân hàng ngầm.

Nhiều năm lãi suất thấp và việc nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận đã đẩy đòn bẩy lên cao hơn. Các khoản nợ phải trả từ hợp đồng hoán đổi và kỳ hạn là một ví dụ điển hình. Lãi suất tăng và giá tài sản biến động khiến mức đòn bẩy cao trở thành một nguồn gây bất ổn, đặc biệt khi chúng không được ghi nhận trên bảng cân đối.

Theo Bloomberg, cần có sự minh bạch hơn trong các giao dịch này. Hợp đồng mua bán ngoại tệ hoán đổi và kỳ hạn nên có sự thay đổi trong quy tắc kế toán.

Thỏa thuận mua lại, hay repo, là hợp đồng cam kết mua lại chứng khoán bằng tiền trong tương lại, đã ghi nhận trên cơ sở gộp, thay vì chỉ tính giá trị ròng. Bloomberg cho rằng các khoản nợ bằng ngoại tệ cũng nên được ghi nhận theo cách như hợp đồng repo.

Minh Quang