Vì sao các ngân hàng trung ương đang ráo riết thu mua vàng?
Theo Economist, vào năm 1968, Thị trường Vàng thỏi London đã đóng cửa trong hai tuần. Thị trường kim loại quý lớn nhất thế giới đã hết vàng do trong suốt 5 tháng, các ngân hàng châu Âu vắt kiệt nguồn dự trữ của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng này đã đánh dấu sự kết thúc của tiêu chuẩn Bretton Woods - giữ đồng USD gắn với vàng, và các tiền tệ khác với USD - kể từ năm 1944.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương lại tiếp tục ráo riết mua vàng. Chỉ riêng trong quý III/2023, các ngân hàng đã chuyển 400 tấn vàng vào kho dự trữ. Tổng cộng, trong ba quý đầu năm, 670 tấn vàng đã được mua vào, một tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng năm 1968.
Vào tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã gom gần 20 tấn vàng chỉ trong một giao dịch. Ấn Độ và Qatar cũng đang khát vàng. Hiện tại, 2/3 dự trữ của Uzbekistan là vàng. Nhiều tháng trước, nước này từng dự định giảm lượng vàng trong kho xuống còn một nửa. Kazakhstan cũng đang tăng cường mua vàng.
Một phần nguyên nhân của cơn sốt trên là bởi vàng đang tỏa sáng trong thời kỳ biến động và lạm phát cao sau khi bị bỏ qua trong thời kỳ thuận lợi. Về lâu dài, vàng được coi như một phương tiện lưu trữ giá trị và không bị ràng buộc vào bất cứ nền kinh tế nào, miễn nhiễm với tình trạng hỗn loạn chính trị và tài chính.
Các ngân hàng trung ương cũng đang cho rằng vàng hiện nay đang là một món hời. Bất chấp việc kháng cự khủng hoảng tốt hơn nhiều tài sản khác, giá vàng cũng đã sụt giảm 3% trong năm nay. Các ngân hàng đang chờ đợi một sự phục hồi.
Tương tự như châu Âu đã làm trong quá khứ, mua vàng cũng là một cách để vứt bỏ USD. Tuy vậy, lần này, các thị trường mới nổi mới là người phàn nàn về đồng bạc xanh. Dự trữ của các quốc gia này chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ, chứ không phải đồng USD.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, lợi suất trái phiếu cũng tăng theo và giá trị trái phiếu sụt giảm. Những ngân hàng trung ương nhỏ không còn muốn đặt cược vào việc Fed kiểm soát lạm phát, mà thay vào đó bán ra trái phiếu để đổi lấy vàng.
Lách trừng phạt
Ngoài ra, theo Economist, việc mua vàng cũng phục vụ những động cơ mờ ám hơn. Vàng có thể là công cụ để tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kể từ tháng 3, phần lớn dự trữ của Moscow ở phương Tây đã bị đóng băng, các ngân hàng Nga gần như bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên USD.
Hầu như không có ngân hàng trung ương nào giữ đồng ruble trong giỏ dự trữ ngoại hối. Với những quốc gia có truyền thống làm ăn với Điện Kremlin, như Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan, vàng cung cấp một phương tiện trao đổi thay thế, dù có chút rắc rối. Các thị trường mới nổi đang là một trong những người mua vàng nhiều nhất trong thời gian qua.
Phương Tây cũng không có nhiều cách để ngăn cản xu hướng này. Vàng của Nga bị cấm bán trên thị trường London. Tuy nhiên, không ai có thể tịch thu vàng trong kho của Điện Kremlin, vốn đa phần tới từ các mỏ tại Nga.
Ngân hàng trung ương Nga hiện không còn báo cáo lượng vàng đang nắm giữ, khiến các giao dịch hoán đổi không thể nào theo dõi được. Di chuyển kim loại theo dạng vật chất là một thách thức về mặt logistics. Tuy vậy, hành động này giúp các giao dịch thoát khỏi tầm ngắm của phương Tây, và đặc biệt hữu ích với những nước trung lập như Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) cho biết những người mua vàng không xác định đang chiếm một tỷ trọng lớn trong năm nay.
Một sự an ủi cho USD là không có đồng tiền nào tăng tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm nay. Tỷ lệ dự trữ bằng nhân dân tệ, euro, yen nhật và bảng Anh đều dậm chân tại chỗ vào năm 2022. Economist nhận định rằng, các ngân hàng trung ương có thể đang trong cơn sốt vàng, tuy nhiên, vị thế của USD vẫn sẽ ổn định.