|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khối trái phiếu 6.300 tỷ USD chuẩn bị đáo hạn, doanh nghiệp Mỹ ngừng chia cổ tức, bán bớt tài sản hoặc tính kế câu giờ

15:45 | 17/02/2023
Chia sẻ
Các tập đoàn mắc nợ nhiều tại Mỹ đang tìm đến sự trợ giúp của các công ty tư vấn tài chính nhằm giải quyết khối nợ hàng nghìn tỷ USD đến hạn trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Bloomberg, khi không còn có thể tiếp cận thị trường nợ, cũng như đối mặt với chi phí đi vay gia tăng, những doanh nghiệp gặp khó khăn đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ một lĩnh vực ít được chú ý của Phố Wall.

Các công ty tư vấn tài chính nổi tiếng bao gồm Houlihan Lokey, Lazard và Evercore cho biết các yêu cầu về “quản lý nợ” đang gia tăng. Những tập đoàn với khối nợ chồng chất tìm kiếm giải pháp khi thập kỷ tiền miễn phí và lãi suất gần 0 đi đến hồi kết.

Doanh nghiệp đang phải đối mặt với hai gánh nặng từ lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Một số đã ngừng chia cổ tức, hoặc bán bớt tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, với khoảng 6.300 tỷ USD trái phiếu chuẩn bị đáo hạn từ này cho đến cuối năm 2025, nhiều công ty đang tìm đến những cách thức khác để bảo vệ bảng cân đối kế toán.

Khoảng 6.300 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ sẽ đáo hạn trong giai đoạn từ 2/2023 đến 12/2025.

Chủ sở hữu trung tâm mua sắm Unibail-Rodamco-Westfield (URW) là một trong những công ty đang bán tài sản để trả nợ, sau khi thương vụ mua Westfield trị giá 22 tỷ USD vào năm 2018 không đem lại hiệu quả.

CEO của URW, ông Jean-Marie Tritant cho biết: “Chúng tôi đã định giá [Westfield] quá cao”. Việc giá trị công ty giảm sau thương vụ mua lại khiến “tỷ lệ vay trên giá trị của công ty bắt đầu tăng đến mức các nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của chúng tôi”.

Ông Tritant tiếp quản URW vào năm 2021. CEO này đã cố gắng ổn định công ty bằng cách thanh lý tài sản, cắt giảm cổ tức, hạn chế chi tiêu và kéo dài thời gian đáo hạn nợ.

“4 Kỵ sĩ Khải Huyền đã đến. Chúng ta đang đối mặt với chiến tranh, dịch bệnh COVID, tình trạng thiếu lương thực trong một số khu vực do tắc nghẽn tại Biển Đen và lạm phát cao, có thể coi như một dịch bệnh tài chính”, ông Joe Swanson, đồng Giám đốc Tái cấu trúc khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) của Houlihan Lokey cho biết. “Tuy vậy, tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu lợi suất cao vẫn chưa tăng lên”, ông nói thêm.

Xu hướng này dường như chuẩn bị thay đổi. Khoảng 1/4 doanh nghiệp trong S&P 500 báo cáo lợi nhuận không đạt kỳ vọng trong quý IV vừa qua, theo phân tích của Bloomberg Intelligence.

Theo công ty tư vấn Alvarez & Marshal, tại châu Âu, gần 9% doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng nợ, và cần tái cấu trúc. Con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, một phần bởi lãi suất trên khắp thế giới vẫn đi lên.

Tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng “rác” (trái phiếu có lợi suất cao, thường mang nhiều rủi ro) tại Mỹ và châu Âu có thể sẽ tăng gấp đôi vào tháng 9/2023, lên lần lượt là 3,75% và 3,25%, theo đánh giá hồi tháng 12 năm ngoái của S&P Global Ratings.

Theo Fitch Ratings, tỷ lệ này còn có thể chạm ngưỡng 12% trong năm nay đối với những trái phiếu doanh nghiệp bán lẻ Mỹ có lợi suất cao. Vào cuối năm 2022, tỷ lệ trên chỉ là 0,2%.

 

Lựa chọn mới 

Hoạt động quản lý nợ truyền thống bao gồm bán đi các mảng kinh doanh, sửa đổi hoặc kéo dài thỏa thuận nợ và mua lại trái phiếu chiết khấu. Những doanh nghiệp mạnh hơn có thể tối ưu hóa bảng cân đối kế toán bằng cách đơn giản hóa cấu trúc vốn.

Với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lợi suất cao, quản lý nợ có thể là một cách để tránh khỏi vỡ nợ. Việc quyền lợi nhà đầu tư ít được bảo vệ hơn trong những năm gần đây khiến các công ty đang gặp khó khăn có thêm nhiều cơ hội.

Hai cố vấn giấu tên cho biết các lựa chọn để tránh vỡ nợ có thể bao gồm không chia sẻ thông tin về tình hình tài chính trong một số trường hợp, hoặc nhận thanh khoản bổ sung từ người cho vay, đổi lại việc đàm phán nợ hoặc cải thiện vị trí của chủ nợ trong cơ cấu vốn.

Đôi khi, người đi vay cũng có thể kéo dài thời gian ân hạn của việc thanh toán lãi cho đến khi trái phiếu đáo hạn. 

Theo ông Sam Whittaker, CEO của Lazard Financial Advisory, “với mức độ linh hoạt trong điều khoản nợ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có nhiều lựa chọn hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Khó khăn của doanh nghiệp lại là cơ hội cho một số khác. Theo nguồn tin của Bloomberg, một số quỹ đầu tư đang xem xét việc mua trái phiếu của những doanh nghiệp được mua lại vào năm 2020 và 2021 bởi chúng đang có mức chiết khấu đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà quản lý tài sản có nhiều tiền mặt tới mức nhiều người sẽ tập trung vào các cơ hội mới, và tránh xa những khoản đầu tư kém hiệu quả. 

Tìm phương án tốt nhất

Những doanh nghiệp mắc nợ đang cố gắng giải quyết khó khăn. Hanesbrand đã ngừng trả cổ tức theo quý để cắt giảm nợ. Enel có kế hoạch bán khối tài sản trị giá 21 tỷ EUR trong khi American Airlines tìm đến khoản vay có đòn bẩy trị giá 1 tỷ USD để kéo dài thời gian.

Theo ông Roopesh Shah, một Giám đốc cấp cao của Evercore, các doanh nghiệp có thể cần một năm để tìm ra phương án tốt nhất. Các doanh nghiệp có khoản nợ đáo hạn vào năm 2025 sẽ bắt đầu giải quyết chúng trong năm nay.

Sự thèm muốn của thị trường đối với trái phiếu nhiều rủi ro sẽ là chìa khóa giúp xác định số lượng các doanh nghiệp cần quản lý nợ. Ông Tom Campbell, Giám đốc tái cấu trúc và các tình huống đặc biệt khu vực EMEA tại PJT, cho biết: “Nhu cầu về quản lý nợ chắc chắn đã tăng lên, và chúng ta sẽ có từ 4 đến 6 quý đầy thú vị”.

Số vụ phá sản tại Mỹ đã bắt đầu tăng mạnh trong tháng 1/2023.

Tại URW, CEO Tritant có kế hoạch bán các trung tâm mua sắm ở Mỹ trong năm nay. Công ty và các đối tác đã không trả khoản vay trị giá 195 triệu USD đến hạn vào tháng 1 cho một trung tâm của sắm của Westfield tại Los Angeles. 

URW đang đàm phán để bán tài sản. Nếu không, trung tâm mua sắm trên có thể bị tịch thu. Cả hai kết quả đều sẽ giúp nợ của URW giảm gần 100 triệu USD bởi khoản vay là không thể truy đòi.

Các công ty bất động sản vay nợ quá nhiều trong thập kỷ qua có thể cần đến nghiệp vụ quản lý nợ. Doanh nghiệp hóa chất ở châu Âu, các công ty công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà điều hành dịch vụ giải trí cũng có thể nằm trong danh sách cần sự trợ giúp. 

Minh Quang