|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vừa phải lo đẩy lùi dịch COVID-19, Trung Quốc vừa phải lo xử lí núi chất thải y tế khổng lồ

12:29 | 09/03/2020
Chia sẻ
Đeo khẩu trang y tế để bảo vệ bản thân trước virus corona chủng mới (COVID-19) đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân Trung Quốc cũng như cả thế giới, tuy nhiên lượng chất thải khổng lồ được tạo ra từ loại sản phẩm chỉ dùng một lần này lại có khả năng trở thành thảm họa sinh thái.

Làm thế nào để xử lí núi khẩu trang y tế đã qua sử dụng lên đến hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỉ chiếc là một vấn đề đau đầu khác đối với giới chức Trung Quốc trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, song song với nỗ lực hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch gây ra.

Các chuyên gia môi trường còn cho rằng việc Trung Quốc không đủ khả năng xử lí chất thải y tế cũng là một vấn đề nổi cộm.

South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới chức y tế và môi trường cho hay khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác, đặc biệt là các vật dụng do nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm COVID-19 sử dụng, nên được xử lí như chất thải lâm sàng và khử trùng trước khi đốt ở nhiệt độ cao tại các cơ sở chuyên dụng.

Song song với đẩy lùi dịch COVID-19, Trung Quốc còn phải vật lộn với núi chất thải y tế khổng lồ - Ảnh 1.

Trong khi đã tạm kiểm soát được dịch COVID-19, Trung Quốc giờ phải đau đầu xử lí núi rác thải y tế. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù rất khó để xác định chính xác số lượng khẩu trang y tế đã qua sử dụng, có báo cáo cho hay khối lượng chất thải y tế ở tâm dịch Vũ Hán đã tăng gấp 4 lần lên hơn 200 tấn/ngày vào tuần trước.

Khi nhu cầu khẩu trang y tế tăng cao trên toàn cầu, các công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất khoảng 116 triệu chiếc/ngày, tăng gấp 12 lần trong tháng qua, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC).

Với hơn 90.000 người dân ở Trung Quốc đại lục dương tính với virus corona và ít nhất 3.200 người đã tử vong, dịch COVID-19 đã khiến khối lượng chất thải y tế gia tăng đột biến.

Mặc dù số lượng lò đốt chuyên xử lí chất thải y tế của Trung Quốc không được công khai, các chuyên gia nhận định con số không thay đổi nhiều trong thập kỉ qua.

Trong khi đó, số lượng lò đốt chuyên xử lí rác thải hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng gần 6 lần từ con số 74 năm 2009 lên 430 vào năm ngoái và hiện có 100 cơ sở khác đang được xây dựng.

Phức tạp hơn, hầu hết cơ sở xử lí chất thải y tế - vốn được xây dựng khi dịch SARS bùng phát 17 năm trước, đã gần hết thời hạn sử dụng, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho hay hồi năm ngoái.

Theo SCMP, Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm và sản sinh ra nhiều rác nhất thế giới. Năm 2018, đất nước tỉ dân đã thải ra khoảng 2 triệu tấn chất thải y tế. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh chưa đưa ra một tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm cụ thể nào với chất thải lâm sàng. Hiện tại, nhóm rác thải này được phân loại đơn giản là chất thải nguy hại.

Các chuyên gia cho rằng điều đó phần nào lí giải được nguyên nhân việc giới chức Vũ Hán - thành phố 11 triệu dân và tập trung đến 75% số ca tử vong do virus corona, dường như đã bị quá tải bởi lượng chất thải y tế trong vài tháng qua.

Theo tờ Southern Metropolis Daily và một số trang tin Trung Quốc đại lục khác, Vũ Hán đã thải ra hơn 200 tấn rác thải y tế chỉ riêng trong ngày 24/2, tăng từ 109 tấn 5 ngày trước đó.

Hai con số nêu trên vượt xa công suất 50 tấn/ngày mà cơ sở xử lí chất thải y tế chuyên dụng duy nhất của thành phố Vũ Hán có thể đảm nhiệm, SCMP dẫn lời các quan chức của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho hay.

Hàng đống khẩu trang và thiết bị bảo hộ chồng chất tại các bệnh viện trên khắp Vũ Hán. Hãng tin The Paper còn đưa tin chỉ trong 4 ngày đã có 3 tấn rác thải y tế chất đống tại Bệnh viện Puren.

Song song với đẩy lùi dịch COVID-19, Trung Quốc còn phải vật lộn với núi chất thải y tế khổng lồ - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện cho ra khoảng 116 triệu chiếc khẩu trang/ngày. (Ảnh: Bloomberg)

Những người thu gom rác cho hay họ bị quá tải và thành phố Vũ Hán "chỉ đơn giản là không được trang bị đủ cơ sơ để tiêu hủy lượng lớn rác thải y tế".

The Paper đưa tin tổng khối lượng chất thải y tế trên khắp tỉnh Hồ Bắc vào ngày 24/2 là 365 tấn, trong đó 60% đến từ các bệnh viện.

Trong khi đó, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết thành phố Vũ Hán đã thải ra 17.000 tấn chất thải y tế trong cả năm 2018.

Ông Eric Liu - chuyên gia về chất thải độc hại của Greenpeace chi nhánh Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở xử lí chất thải, đặc biệt là những địa điểm có thể xử lí chất thải lâm sàng.

"Khả năng xử lí chất thải của Trung Quốc, đặc biệt là về chất thải y tế và chất thải nguy hại, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu hằng ngày chứ chưa thể phục vụ cho dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất đất nước trong nhiều thập kỉ qua", ông Liu nói.

Mặc dù Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết phần lớn chất thải y tế đã được xử lí đúng cách ở các thành phố lớn, Tân Hoa Xã dẫn một báo cáo hồi năm ngoái cho hay chỉ 31% trong số 629.000 tấn chất thải y tế của đất nước tỉ dân được xử lí trong năm 2015, tăng từ mức 24% năm 2008.

Ông Du Huanzheng - Giám đốc Viện Kinh tế Tái chế tại Đại học Đồng Tế (Thượng Hải), cũng bày tỏ lo ngại về khoảng cách ngày càng lớn trong cán cân cung - cầu của các cơ sở xử lí chất thải y tế. Tuy nhiên, ông Du cho hay phần lớn các cơ sở mới đang trong quá trình xây dựng hoặc lên kế hoạch.

"Xử lí chất thải y tế là một phần quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19. Đây là một lời cảnh báo, thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh tăng tốc quá trình xây dựng các cơ sở mới và nghiên cứu công nghệ xử lí chất thải", ông Du nói thêm.

Các chuyên gia nhận định dịch COVID-19 có thể là chúc xúc tác để Trung Quốc mở rộng lĩnh vực xử lí chất thải y tế và xây dựng nhiều cơ sở tiêu hủy rác thải hơn.

SCMP dẫn lời chuyên gia cho hay đốt vẫn là phương pháp được ưa chuộng để xử lí chất thải y tế ở Trung Quốc, mặc dù các nước phát triển đang dần loại bỏ các lò đốt vì lo ngại về vấn đề sức khỏe và môi trường.

Không ai đứng ngoài cuộc chiến xử lí rác thải y tế

Khẩu trang y tế có thể được chia thành ba nhóm, ông Liu của Greenpeace cho hay. Trong khi chất thải lâm sàng cần phải được xử lí tại các cơ sở đốt rác chuyên dụng, khẩu trang y tế do người dân khỏe mạnh sử dụng có thể được xử lí tương tự như chất thải hộ gia đình, tức đem đốt trong các lò công nghiệp.

Thách thức thực sự đến từ số khẩu trang y tế mà những người bị cách li tại nhà hoặc có triệu chứng nhiễm COVID-19 nhẹ sử dụng, ông lí giải.

"Có một khoảng xám ở nhóm khẩu trang y tế đã qua sử dụng này, khi mà chúng không thuộc thẩm quyền xử lí của các tổ chức y tế nhưng nên được tiêu hủy theo tiêu chuẩn cho chất thải y tế", ông nhấn mạnh.

Tại Vũ Hán, các nhà chức trách đã cố gắng tìm ra giải pháp cho thách thức nêu trên. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho hay 5 lò đốt rác thải sinh hoạt và nhiều lò công nghiệp ở nhà máy xi măng cùng một số nhà máy khác tại Vũ Hán đã được chỉ định để hỗ trợ loại bỏ rác thải y tế tồn đọng, khoảng 190 tấn tính đến ngày 24/2.

Theo tin của China Economic Daily, Vũ Hán đang gấp rút xây dựng thêm các nhà máy xử lí chất thải y tế gần các bệnh viện, gồm bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn và Kim Ngân Đàm. Số nhà máy mới này sẽ xử lí lần lượt 9, 15 và 4 tấn rác thải y tế mỗi ngày.

Tổng cộng có 17 cơ sở lưu trữ rác thải y tế tạm thời, với tổng sức chứa hơn 1.000 tấn, cũng đang được xây dựng.

Trong khi giới chức Vũ Hán phải chuyển một số rác thải từ thành phố này sang các khu vực lân cận để xử lí, họ còn cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ từ các công ty xử lí rác thải tư nhân trên khắp Trung Quốc.

China Shipping Group và một công ty ở An Huy đã triển khai một số cabin xử lí rác thải y tế lưu động đến Vũ Hán vào tháng trước, Tân Hoa Xã đưa tin. Các lò đốt dạng này lần đầu được sử dụng trong dịch SARS và có thể xử lí 5 tấn rác thải y tế/ngày.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.