Vốn nhà nước tại doanh nghiệp và qui định
Hình minh họa (Nguồn: Công an Thành phố Đà Nẵng).
Vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Vốn nhà nước tại doanh nghiệp - danh từ, trong tiếng Anh được dịch thành State capital used as financing for an enterprise.
"Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quĩ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quĩ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp."
Mục tiêu đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. (Theo Luật quản lí, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014)
Nguyên tắc đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Tuân thủ qui định của pháp luật về đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qui hoạch phát triển ngành.
- Đầu tư vốn nhà nước để hình thành và duy trì doanh nghiệp ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp theo qui định.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lí nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lí, điều hành của người quản lí doanh nghiệp.
- quản lí vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình, đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
- Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng thẩm quyền, phạm vi, trình tự, thủ tục.
- Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vào hoạt động quản lí, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Thực hiện không đúng quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư, quản lí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Thực hiện không đúng qui định về quản lí, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quản lí phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của pháp luật.
- Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo qui định của pháp luật.
- Tiết lộ, sử dụng thông tin do doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lí nhà nước cung cấp không đúng qui định của pháp luật. (Theo Luật quản lí, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014)