|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Với Nga, nhân dân tệ đã trở thành đồng USD thứ hai

16:26 | 08/03/2022
Chia sẻ
Do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga tìm đến Trung Quốc như một cứu cánh.Ở chiều ngược lại, thương mại với Moscow được tăng cường có thể giúp nhân dân tệ trở thành USD thứ hai.

Lối thoát cho nền kinh tế Nga

Một đồng rúp hiện đổi được ít hơn một cent Mỹ. Vì vậy, người dân Nga đổ xô tìm đến các tài sản khác như vàng hay bitcoin để bảo vệ bản thân khỏi sự sụt giảm của đồng nội tệ.

Khi các đơn vị thiết giáp của Tổng thống Putin tiến gần đến Kiev, nền kinh tế Nga càng trở nên khó khăn hơn. Có nhiều suy đoán cho rằng Moscow sẽ sử dụng tiền điện tử như một kênh hỗ trợ tài chính.

Với Nga, nhân dân tệ đã trở thành đồng USD thứ hai - Ảnh 1.

Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử không có đủ khối lượng và tính thanh khoản để bù đắp cho sự gián đoạn mà các lệnh trừng phạt sẽ gây ra đối với nền kinh tế Nga.

Ngoài tiền điện tử, điện Kremlin có một lựa chọn khác: sử dụng đồng nhân dân tệ và hệ thống thanh toán quốc tế CIPS của Bắc Kinh cho thương mại xuyên biên giới.

Việc tách Nga ra khỏi nền tài chính thế giới có thể tạo ra một tác dụng phụ không mong muốn với phương Tây, đó là sự ra đời của một hệ thống kinh tế toàn cầu mới dựa trên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins Steve H Hanke nói với Yahoo Finance UK rằng: "Việc ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống dựa trên đồng USD sẽ không có nhiều tác động đến đồng USD ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ là vấn đề khác".

Nhà kinh tế nói thêm rằng hành động loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT “đã vũ khí hóa và làm ô nhiễm SWIFT”.

“Điều này sẽ tạo cơ hội cho những kẻ thách thức hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD”, ông nói thêm.

Trật tự thế giới mới

Đối thủ chính của SWIFT hiện nay chính là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc, hay còn gọi là CIPS. Đối trọng của Trung Quốc với hệ thống SWIFT được tạo ra vào năm 2015. Hiện nay, CIPS chỉ xử lý một phần nhỏ các giao dịch quốc tế nếu so sánh với SWIFT.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng này có thể bắt đầu nghiêng về phía Trung Quốc nếu Nga buộc phải dựa vào Bắc Kinh trong thương mại quốc tế.

Truyền thông Trung Quốc ví lệnh cấm SWIFT đối với các ngân hàng Nga là “vũ khí hạt nhân tài chính”, nhưng cũng hoan nghênh và cho rằng đây là cơ hội cho CIPS của Bắc Kinh.

Giáo sư Hanke cho biết sự can thiệp chính trị gần đây với SWIFT đã “thúc đẩy sự phát triển và sử dụng CIPS, bất kể Nga có sử dụng nó hay không”.

Sự phụ thuộc của Nga vào CIPS sẽ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ bên ngoài biên giới Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng đã giúp đưa đồng nhân dân tệ ra nước ngoài.

Nhưng Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc Steve Tsang, nói rằng đồng nhân dân tệ vẫn chỉ được sử dụng rất ít và "vẫn chưa thể trở thành một loại tiền tệ thế giới".

"Mặc dù Nga sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn, nhưng đồng nhân dân tệ không thể thay thế đồng USD. Một loại tiền tệ thế giới cần có khả năng chuyển đổi hoàn toàn thành bất kỳ đồng tiền của quốc gia nào."

Chính phủ Trung Quốc không sẵn sàng cho phép đồng nhân dân tệ được tự do giao dịch do lo sợ trường hợp mất quyền kiểm soát giá trị.

Trong quá khứ, Bắc Kinh bị cáo buộc theo chủ nghĩa trọng thương. Mỹ từng tuyên bố đồng nhân dân tệ được cố ý định giá thấp hơn USD nhằm tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Các nhà phân tích địa chính trị đang lo lắng về tương lai khi ông Hanke gợi ý rằng các biện pháp trừng phạt có lịch sử dài cho thấy chúng thường không đạt được các mục tiêu như mong muốn.

Ông nói rằng việc Nga bị cô lập hoàn toàn về kinh tế có thể tạo ra một "kịch bản ác mộng”, trong đó một 'Triều Tiên khổng lồ' xuất hiện với rất nhiều vũ khí hạt nhân".

Ông Steve Tsang nhận thấy các dấu hiệu thế giới đang trên quỹ đạo hướng tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong trật tự đó, "Nga và các đồng minh thân cận sẽ thành lập một khối và các nền dân chủ do phương Tây lãnh đạo sẽ hình thành một khối khác".

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ duy trì một cách tiếp cận thận trọng, thực dụng vì lợi ích của bản thân và tránh "thu hút các biện pháp trừng phạt thứ cấp chống lại Trung Quốc".

Ông Anders Corr, nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, củng cố quan điểm rằng các lệnh trừng phạt chống lại Moscow sẽ “thúc đẩy nước Nga hướng tới nền kinh tế Trung Quốc, nơi mà Nga sẽ phải thực hiện phần lớn hoạt động kinh doanh cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ”.

Ông Corr tin rằng việc Nga ngả về Trung Quốc sẽ mang lại cho Bắc Kinh quyền lực thương lượng to lớn.

Theo ông, Moscow “trong tương lai có thể phải chấp nhận các hợp đồng bằng đồng nhân dân tệ hoặc thậm chí giảm giá 10% cho hàng xuất khẩu của mình so với giá thị trường thế giới”.

Với Nga, nhân dân tệ đã trở thành đồng USD thứ hai - Ảnh 2.

Bắc Kinh chắc chắn sẽ hoan nghênh việc gia tăng thương mại các mặt hàng thiết yếu từ Nga với mức giá thấp kỷ lục.

Nga hiện đang có thặng dư thương mại với Trung Quốc, với các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu, khí đốt, than và lúa mì.

Các cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Moscow.

Việc Moscow bắt đầu sử dụng CIPS sẽ đẩy nhanh tham vọng làm xói mòn dần hệ thống tài chính dựa trên đồng USD của Bắc Kinh .

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hoan nghênh các mặt hàng của Tổng thống Putin để đổi lấy nhân dân tệ của Trung Quốc và cùng dắt tay nhau đi trên con đường “khử USD”.

Minh Quang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.