Việt Nam vay 350-400 triệu USD từ WB để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Tại họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Bộ đã cơ bản đàm phán xong nguồn lực để thực hiện dự án, tổng kinh phí dự kiến khoảng 600 triệu USD.
Trong đó, 350-400 triệu USD Việt Nam vay từ Ngân hàng Thế giới (WB);100 triệu USD từ nguồn ngân sách nhà nước; 40-50 triệu USD từ các quỹ tín chỉ carbon, quỹ biến đổi khí hậu, nguồn hỗ trợ không hoàn lại.
Ngoài ra, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cũng sẽ có sự đồng hành của các doanh nghiệp và hiệp hội.
Còn nhận định ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chưa có đề án nào nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực tài chính, kỹ thuật như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
WB đã có cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về cơ sở hạ tầng, thị trường tín chỉ carbon… trong quá trình thực hiện đề án.
Đề án sẽ làm thay đổi chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung. Khu vực này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội địa mà còn cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm của Việt Nam, thu về ngoại tệ cho đất nước.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL, bao gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Như Cường, ngành lúa gạo sẽ không sản xuất hữu cơ tràn lan, mà tập trung vào các vùng thuận lợi, hiệu quả và có đầu ra cho sản phẩm.
Còn ở phạm vi chung, ngành lương thực sẽ tiếp tục phát triển theo hướng xanh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi năm, Việt Nam vẫn giảm khoảng 100.000 ha diện tích trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc sang mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên nhờ bộ giống ngắn ngày, năng suất cao, quy trình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn đảm bảo sản lượng thóc đạt khoảng 43 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và nguồn cung cho cho xuất khẩu.
Trong buổi gặp gỡ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh ĐBSCL về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Những gì chúng ta gieo sự thay đổi từ đề án này thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.