|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc rục rịch ký đơn hàng cho quý I/2024

15:59 | 01/12/2023
Chia sẻ
10 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần chiếm gần 40%, tăng đáng kể so với mức 13,5% của cùng kỳ.

Thị phần gạo Việt chiếm 40% ở Trung Quốc

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2023, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 2,25 triệu tấn, tương ứng gần 1,2 tỷ USD, giảm 59% về lượng và giảm 48% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

 

Trung Quốc giảm mua gạo từ hầu hết thị trường chính, ngoại trừ Việt Nam. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc đã nhập khẩu 896.307 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 520 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần chiếm gần 40%, tăng đáng kể so với mức 13,5% của cùng kỳ.

 

Trao đổi với người viết, ông Vũ Văn Đồng, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Đại Dương cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của công ty, chiếm 90% doanh thu.

Ông Đồng đánh giá Trung Quốc đang mở cửa cho các sản phẩm gạo của Việt Nam, do vậy xuất khẩu loại lương thực này sang quốc gia 1,4 tỷ dân trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan.

“Đầu tháng 12, chúng tôi sẽ ký hợp đồng với một đối tác Trung Quốc khoảng 50.000 tấn cho quý I/2024. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, lượng hàng của doanh nghiệp và biến động thị trường, chúng tôi sẽ xem xét chốt giá hợp lý”, ông Đồng cho biết.

 

Trong chuyến công tác ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về xúc tiến thương mại cho mặt hàng gạo, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam có khả năng cung ứng tốt các dòng gạo được ưa chuộng tại Trung Quốc, điển hình như các dòng gạo thơm phẩm cấp cao, gạo ST, gạo nếp…

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đánh giá Trung Quốc là thị trường quan trọng và đã thiết lập quan hệ bạn hàng truyền thống lâu năm.

Doanh nghiệp Việt đang nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định, phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương đề xuất hai bên xem xét ký kết các biên bản ghi nhớ về thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại giữa hai nước.

Từ đó, hỗ trợ sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ truyền thống, các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần duy trì thị phần, gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc.

Giá gạo ở mức cao, doanh nghiệp không dám ký đơn hàng xa

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2022, giá gạo xuất khẩu sang Trung Quốc biến động trong khoảng 476-544 USD/tấn. Tuy nhiên kể từ tháng 1 năm nay, giá gạo xuất khẩu liên tục đi lên và duy trì ở mặt bằng trên 500 USD/tấn, có thời điểm đã gần chạm mốc 600 USD/tấn.

Bình quân 10 tháng năm 2023, giá gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 580 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Ông Vũ Văn Đồng cho rằng giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục, doanh nghiệp không dám ký đơn hàng xa, tránh rủi ro trượt giá.

Thời điểm này, gạo là mặt hàng khá nhạy cảm. Do vậy, bất kỳ động thái của các nhà sản xuất hàng đầu như Ấn Độ, Trung Quốc có thể gây biến động về giá cả. CEO Công ty Đầu tư và Thương mại Đại Dương cho biết giá gạo ở mức cao tác động khá lớn đến các doanh nghiệp, nếu không xác định đúng thị trường trọng tâm, sản phẩm mục tiêu có thể thua lỗ ngay khi thị trường thuận lợi.

Do vậy, ông Đồng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát các biến động thị trường theo ngày, đánh giá rủi ro để đưa ra quyết định có tiếp tục thu mua, xuất khẩu.

Trao đổi với người viết, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết cái khó của Việt Nam khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là sự hạn chế về mặt hàng, trong đó gạo nếp và gạo thơm chiếm tỷ trọng lớn.

“Gạo ST của mình chưa nhiều, chưa đủ cho tiêu dùng nội địa. Trong khi, thị trường Trung Quốc khá ưa thích mặt hàng này, nhưng đắt quá thì họ không mua. Do vậy, giá mặt hàng này không tăng mạnh được”, ông Đỗ Hà Nam nói.

Xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc lúc này chỉ có thể trông chờ vào gạo thơm. Tuy nhiên thời điểm này đã kết thúc vụ thu đông, doanh nghiệp lùng sục mua nhưng không có hàng.

 

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa  gạo Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho rằng giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng gạo tương đương.

Chính vì giá cao, một số mặt hàng gạo thơm như DT8, OM 5451 của Việt Nam có nguy cơ mất thị trường, rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan.

Để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng CTCP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cho rằng các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp, vốn tín dụng khó khăn.

Trường hợp, các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Phạm Mơ

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.