|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đối diện nguy cơ thiếu điện từ năm 2021

16:01 | 24/09/2019
Chia sẻ
Financial Times đưa tin: Việt Nam đang tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ thiếu điện trong hai năm tới, thực trạng có thể gây khó khăn cho một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong ngắn hạn.
than-da

Cho đến nay, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn than đá, dầu nhiên liệu và thủy điện để tạo điện. Tuy nhiên, một vài dự án đã bị đình trệ trong vài năm gần đây. Nguồn: Reuters

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng thiếu điện có thể xảy ra ngay sau năm 2021 và yêu cầu các bộ ngành đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ.

Nguy cơ thiếu điện có thể tác động tới nền kinh tế vốn lấy động lực tăng trưởng từ hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm của công đồng quốc tế vì Việt Nam được xem là "vịnh tránh bão" giữa thương chiến Mỹ - Trung.

Financial Times nhận định Việt Nam đối mặt với khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn, cần có phương án lựa chọn về năng lượng trong ngắn hạn.

Mặc dù có nguồn cung tiềm năng từ trữ lượng dầu khí nội địa, tuy nhiên Việt Nam cần có năng lực tài chính để phát triển nguồn lực đó, Financial Times trích nhận định từ Andrew Harwood, Giám đốc nghiên cứu phụ trách nhóm dầu khí thượng nguồn tại Wood Mackenzie ở Singapore.

Cho đến nay, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn than đá, dầu nhiên liệu và thủy điện để tạo điện. Tuy nhiên, một vài dự án đình trệ trong vài năm gần đây vì Chính phủ không bảo lãnh các khoản vay và một số nguyên nhân khác. 

Trước đó, năm 2016, Việt Nam từ bỏ chương trình năng lượng hạt nhân.

Việt Nam đang đẩy nhanh năng lượng mặt trời, đồng thời nghiên cứu việc nhập khẩu quy mô lớn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), xem xét nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia láng giềng, theo Chính phủ và các chuyên viên phân tích ngành.

Trước đó trong tháng này, dự án năng lượng mặt trời trị giá 391 triệu USD, lớn nhất ở Đông Nam Á, bắt đầu vận hành ở Tây Ninh. 

Tháng 8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hơn 4.000 hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở trên nóc nhà trong vòng 3 tháng qua với tổng công suất 200 MW và sắp có thêm 300 MW vào cuối năm 2019.

"Tăng trưởng nhanh chóng của thị trường điện mặt trời trong năm 2019 là một tín hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam hoan nghênh sự đa dạng hóa về nguồn điện, trong đó ngày càng nhấn mạnh đến năng lượng tái tạo như là giải pháp", Gavin Smith, Giám đốc phát triển sạch với Dragon Capital ở TP HCM.

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Vẫn còn phải chờ xem liệu đà tăng trưởng nhanh chóng của nguồn năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 có đủ để đẩy lùi rủi ro mất điện trong ba năm tới hay không".

Nguồn điện đã kìm hãm đà tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển. Nam Phi từng đối mặt với nạn mất điện thường xuyên vì Eskom – công ty điện quốc gia – không đầu tư đủ công suất trong vài năm gần đây để bắt kịp với nhu cầu. 

Nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng trưởng 9%/năm, nhanh hơn cả đà tăng trưởng của nền kinh tế, vốn ở mức 7% trong năm 2018.

Để giải quyết một phần tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương dự định tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Trong đó, nguồn điện nhập khẩu từ Lào theo thỏa thuận đã kí giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.

Các công ty và quan chức Mỹ xem LNG (khí hóa lỏng) là một giải pháp cho nhu cầu điện của Việt Nam, Mỹ sẽ hỗ trợ LNG để giảm thiểu khoản thặng dư thương mại kỉ lục của Việt Nam và Mỹ.

Tuy nhiên, khí hóa lỏng không phải là giải pháp đủ để ngăn chặn khủng hoảng năng lượng đang chực chờ xảy ra, vì Việt Nam cần phải xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng để xử lí lượng khí hóa lỏng này.

Minh Tuấn