|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam có thể mất thị phần và đối tác nếu tạm dừng xuất khẩu gạo?

17:36 | 26/03/2020
Chia sẻ
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam có thể mất thị phần, khách hàng và mất cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao nếu tạm dừng xuất khẩu gạo ở thời điểm này.

Rủi ro các nước khác "chen chân" và Việt Nam mất thị phần

Liên quan để chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo của  Bộ Công Thương, trao đổi với người viết, GS. TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về ngành lúa gạo cho rằng nếu trong thời gian này nếu không tận dụng cơ hội thì nguy cơ Việt Nam sẽ mất thị phần và thậm chí là khách hàng.

Việt Nam có thể mất thị phần và đối tác nếu tạm dừng xuất khẩu gạo? - Ảnh 1.

GS. TS Võ Tòng Xuân (Nguồn: Zing).

Ông Xuân lí giải thời gian qua, nhiều tỉnh trồng lúa của Thái Lan bị mất mùa, sản lượng giảm 1,5 - 2 triệu tấn, cùng với đó tỷ giá đồng bath/USD tăng. Hai yếu tố này đã đẩy giá xuất khẩu gạo của Thái Lan sang các nước (trong đó có Trung Quốc) tăng cao.

"Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam để xuất khẩu với giá cao và gạo Thái Lan cũng tăng giá. Nếu Việt Nam tạm dừng xuất khẩu thì Philippines hoặc Indonesia sẽ "chen chân" để kí hợp đồng với Trung Quốc trước. 

Tới khi Việt Nam được xuất khẩu trở lại thì không còn giá cao đó nữa. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể để mất thị phần và các đối tác ở các thị trường. Giống như năm 2008, gạo Việt Nam rất nhiều nhưng không đẩy mạnh xuất khẩu để cho mình Thái Lan xuất",  Ông Xuân nhấn mạnh. 

Trên thực tế, giá lúa gạo trên thị trường thế giới hiện nay cũng đang biến động mạnh. Theo tổng hợp từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kì năm trước, trong đó có một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. 

Giá cả trong nước cũng đã có biến động theo chiều hướng chung của giá cả trên thế giới, tăng từ 20% - 25% tuỳ theo từng chủng loại thóc, lúa gạo.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%.

Hạn mặn không ảnh hưởng lớn đến sản lượng lúa cả nước

Nói về khả năng nguồn cung có thể bị thiếu hụt do xâm ngập mặn, GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng vấn đề này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến sản lượng chung của cả nước.

Theo đó, những vùng bị hạn mặn chuẩn bị bước vào mùa mưa nên sẽ không ảnh hưởng vào sâu bên trong đất liền nữa mà chủ yếu ở khu vực ven biển. 

Ông phân tích, tính chung trên cả nước, diện tích lúa có đủ nguồn cung nước ngọt trên cả nước lên tới 1,5 triệu tấn. Năng suất không dưới 6 tấn/ha, nhiều nơi đạt tới 7 tấn/ha. Nếu tính ra lúa khô là 5,8 tấn/ha. 

Như vậy, nếu qui ra gạo, tổng sản lượng có thể đạt 3,5 - 5,5 triệu tấn. Trong khi đó, vùng diện tích này chỉ cần 3 tháng rưỡi là có thể thu hoạch.

"Vụ Đông Xuân vừa qua ước tính sản lượng gạo trên 5 triệu tấn. Tính đến nay chúng ta đã xuất khẩu 900.000 tấn. Đợt thu hoạch tới tức đến tháng 6, mình chỉ cần giữ khoảng 1,5 triệu tấn là dư cho cả nước rồi, còn lại xuất khẩu 4 triệu tấn. Đó là còn chưa kể các hộ nông dân thường để lại một chút để ăn hàng ngày", GS. TS Võ Tòng Xuân nói.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT,  dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ đông xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc và sẽ kết thúc thu hoạch trước 30/6 .

Việt Nam có thể mất thị phần và đối tác nếu tạm dừng xuất khẩu gạo? - Ảnh 2.

Số liệu: Bộ NN&PTNT, Tổng Cục Hải quan. (Tổng hợp: Đức Quỳnh)

Cụ thể, sản lượng lúa đông xuân vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn, đến nay đã thu hoạch được 1,3 triệu ha, đạt 9 triệu tấn.

Vùng Đông Nam Bộ sản lượng ước đạt 0,5 triệu tấn, đến nay đang thu hoạch rộ, dự kiến sẽ thu hoạch xong trước ngày 30/4 . Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sản lượng ước đạt 2 triệu tấn, đến nay đang thu hoạch rộ, dự kiến sẽ thu hoạch xong trước ngày 30/4.

Vùng Bắc Trung Bộ sản lượng ước đạt 2,2 triệu tấn, hiện lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đòng, dự kiến sẽ thu hoạch xong trước ngày 30/5.

Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng sản lượng ước đạt 4,7 triệu tấn, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, dự kiến thu hoạch xong trước ngày 30/6 .

Việt Nam không lo thiếu gạo

Nói về khả năng có thiếu gạo hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết trong các qui định hiện hành, các doanh nghiệp xuất khẩu phải dự trữ 5% tổng lượng xuất khẩu trước đó của họ để phục vụ cho dự trữ lưu thông.

Bên cạnh đó bản thân dự trữ quốc gia cũng mua từ 200.000 đến 300.000 tấn để đảm bảo dự trữ lưu thông.

"Với sản lượng hiện nay chúng ta đã thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 9 triệu tấn thóc, tương đương hơn 4 triệu tấn gạo, tôi khẳng định sẽ không bao giờ thiếu. Chúng ta không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ được cho xuất khẩu" , Thứ trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam có thể mất thị phần và đối tác nếu tạm dừng xuất khẩu gạo? - Ảnh 2.

Đồ hoạ: Alex Chu

Các phương án được Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ gồm tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, hoặc cũng có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các số liệu giữa các bộ ngành cung cấp, Bộ Công Thương nhận thấy đã có độ vênh nhất định giữa số liệu mà Bộ Công Thương có được và số liệu mà các doanh nghiệp và địa phương nắm được, đặc biệt là sản lượng vụ Đông Xuân tại Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, UBND các tỉnh cũng như một số doanh nghiệp cho rằng có thể có độ vênh về mặt số liệu giữa sản lượng xuất khẩu trong tháng 3 này.

Theo các doanh nghiệp thì trong tháng 3 xuất khẩu đã chững lại, không lớn như Bộ Công Thương dự kiến. "Vì tháng 3 chưa kết thúc nên rất khó nói ý kiến nào là đúng hay không đúng",Thứ trưởng cho biết.

Đây là lí do ngày 24/3 Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép kiểm tra lượng gạo tồn kho trong dân và trong các doanh nghiệp một lần nữa. Trên cơ sở số liệu kiểm tra chính xác này, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng sẽ xem xét quyết định liên quan đến việc xuất khẩu gạo.


H.Mĩ