|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao chủ CATSA quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi?

08:41 | 26/07/2024
Chia sẻ
Từ chối bán lại thương hiệu vì không muốn tiếp tục sản xuất thời trang nhanh gây hại cho môi trường, bà Linh Cát quyết định đóng cửa hoàn toàn CATSA.

Mới đây, CATSA - một chuỗi thời trang tại TP HCM đã đưa ra thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 25/8 sắp tới, sau 13 năm hoạt động. Tại thời kỳ đỉnh cao, CATSA từng là một trong những thương hiệu bán lẻ thời trang được biết đến rộng rãi với hơn 40 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu 100 tỷ đồng mỗi năm.

 Một cửa hàng CATSA ở TP HCM. (Ảnh: T.V).

Theo bà Nguyễn Thùy Linh Cát, CEO CATSA quyết định đóng cửa thương hiệu bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân trong thời gian bị kẹt ở Phú Quốc 4 tháng do đại dịch COVID-19 gây ra năm 2021.

Thời gian đó, chỉ với 7 bộ quần áo, bà nhận ra rằng con người không cần quá nhiều quần áo và thời trang nhanh gây hại cho môi trường. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu kinh doanh trước đây của bà là khuyến khích khách hàng mua càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, nữ CEO cũng nhận thấy CATSA đã đạt đến ngưỡng phát triển nhất định và khó có thể mở rộng thêm. Nhà sáng lập doanh nghiệp nói bản thân cảm thấy kiệt sức và không còn hạnh phúc với công việc, đồng thời muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Từ chối bán lại thương hiệu vì không muốn tiếp tục sản xuất thời trang nhanh gây hại cho môi trường, bà Linh Cát quyết định đóng cửa hoàn toàn CATSA.

Nhà sáng lập thương hiệu cho biết trong chiến dịch cuối cùng của CATSA, khoảng 60.000 sản phẩm tồn kho sẽ được bán online kết hợp với hoạt động từ thiện. 

Còn theo một thông tin khác từ Znews, bà Linh Cát đang có kế hoạch tập trung vào dự án mới Catci - một thương hiệu thời trang bền vững với phong cách tối giản, chú trọng nghiên cứu và phát triển các chất liệu cao cấp, bền đẹp. Mục tiêu của bà là thoát khỏi vòng xoay của thời trang nhanh, tập trung vào chất lượng sản phẩm và khuyến khích khách hàng mua sắm có ý thức. 

Thời trang nhanh là mô hình kinh doanh tập trung vào sản xuất hàng may mặc với số lượng lớn và nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu “đu trend” của người tiêu dùng.

Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu trong một bài báo trên New York Times vào năm 1989, viết về cửa hàng đầu tiên mở ở thị trường Mỹ của Zara. Mục tiêu của thương hiệu bán lẻ lớn này là mang tới sản phẩm mới cho khách hàng chỉ trong vòng 15 ngày. 

Các cửa hàng, nhà bán lẻ trực tuyến thường xuyên cập nhật và cho ra mắt những bộ sưu tập “hợp thời” với mức giá phải chăng.

Mô hình sản xuất này tạo ra một lượng lớn sản phẩm, với tần suất cập nhật nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc sản xuất quá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng, gây ra sự lãng phí và vấn đề về quản lý rác thải. 

Zara và H&M là hai trong số những thương hiệu lớn nhất trong ngành thời trang nhanh. Tuy nhiên, hiện nay cũng xuất hiện nhiều nhãn hàng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử (Shein, Temu, Boohoo, ASOS, PrettyLittleThing, Fashion Nova…).

Các nhà bán lẻ này đã tận dụng lợi thế của mô hình kinh doanh trực tuyến và trở thành những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành thời trang nhanh.

Thành Vũ