|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Ông lớn' bán lẻ Nhật đặt cược vào Việt Nam, tăng hợp tác với Vingroup

10:17 | 25/02/2025
Chia sẻ
Tập đoàn bán lẻ lớn Takashimaya của Nhật Bản khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP HCM vào năm 2016, đặt tại tòa nhà Saigon Centre. Công ty đang tiếp tục đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản.

Chủ tịch tập đoàn Takashimaya, một trong những nhà điều hành chuỗi đại siêu thị của Nhật Bản, cho biết công ty sẽ “tập trung vào Việt Nam trong thời gian tới” trong chiến lược mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Điều này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng trong nước bị chững lại do dân số Nhật Bản đang giảm.

Ông Yoshio Murata, người đã giữ vị trí chủ tịch Takashimaya gần 6 năm, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia vào giữa tháng 2: “Tôi đặt mục tiêu nâng lợi nhuận hoạt động từ thị trường Việt Nam lên mức 5-10% tổng lợi nhuận của tập đoàn”.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2 năm ngoái, con số này đạt khoảng 4%. Khoản lợi nhuận đó đến từ các dự án phát triển bất động sản chung tại Hà Nội, trung tâm thương mại ở TP HCM khai trương năm 2016 và một số hoạt động khác.

Chủ tịch tập đoàn Takashimaya, ôngYoshio Murata. (Đồ hoạ: Nikkei).

Ông Murata cho biết để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ rà soát và sắp xếp lại danh mục bất động sản tại Việt Nam thông qua mạng lưới địa phương. Takashimaya xác định mảng phát triển thương mại quốc tế là động lực tăng trưởng chính. Lợi nhuận từ mảng này dự kiến sẽ tăng 13% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2025.

Ông cũng cho biết công ty sẽ tập trung phát triển “mô hình kinh doanh dòng tiền”. Cụ thể, Takashimaya sẽ thu lợi nhuận từ việc bán biệt thự và nhà ở thông qua hợp tác với các nhà phát triển lớn như Nomura Real Estate Development của Nhật Bản và Vingroup của Việt Nam.

“Hà Nội đang bắt đầu phát triển hệ thống đường sắt và đường cao tốc. Khi các tuyến giao thông này được kết nối, sẽ có nhiều dự án phát triển ở các khu vực lân cận”, ông Murata nhận định. Ông nhấn mạnh rằng tỷ trọng của mô hình kinh doanh này hiện vẫn còn nhỏ, nhưng đang có tiềm năng phát triển tốt tại thị trường Việt Nam.

Ông Murata cho biết công ty sẽ bắt đầu thu lợi từ các khoản đầu tư tại Việt Nam trong năm tài chính 2027 và 2028, tức là từ tháng 3/2027 đến tháng 2/2029. Trước đó, Takashimaya đã công bố kế hoạch đầu tư tối đa 51 tỷ yên (khoảng 340 triệu USD) vào hoạt động phát triển ở nước ngoài đến tháng 2/2027. Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong các lĩnh vực kinh doanh theo kế hoạch trung hạn mà tập đoàn công bố vào tháng 4 năm ngoái.

Giữa tháng 2, Takashimaya thông báo sẽ thành lập một công ty thiết kế nội thất cao cấp tại TP HCM, dự kiến hoạt động sớm nhất vào tháng 5 năm nay. Ông Murata cho biết: “Chúng tôi sẽ nhận đơn thiết kế nội thất cho các biệt thự tại Việt Nam”.

Takashimaya sẽ tận dụng kinh nghiệm và danh tiếng của công ty con Takashimaya Space Create trong lĩnh vực thiết kế nội thất cho khách sạn và các thương hiệu cao cấp.

Ông Murata đặt nhiều kỳ vọng vào mảng kinh doanh mới này. Ông cho rằng thị trường thiết kế nội thất tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng do chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Ông nhấn mạnh rằng nhu cầu về thiết kế nội thất theo phong cách Nhật Bản, với những chi tiết tinh tế, đang tăng lên. Takashimaya sẽ khai thác thế mạnh này để mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

 

Takashimaya xem Việt Nam là “thị trường tăng trưởng lớn nhất” nhờ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. 

Công ty có kế hoạch mở một trung tâm thương mại tại Hà Nội sớm nhất vào năm 2027. Ngoài ra, Takashimaya cũng đang hợp tác với một đối tác Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.

Trung tâm thương mại của Takashimaya tại TP HCM có khoảng 150 cửa hàng chuyên biệt và một siêu thị. Ông Murata cho biết mô hình kinh doanh này được phát triển dựa trên kinh nghiệm từ cửa hàng Takashimaya tại Singapore.

“Tại Đông Nam Á, nhiều người mong muốn có những cửa hàng như Takashimaya Singapore. Nếu điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ cân nhắc mở rộng sang các nước lân cận Singapore trong tương lai”, ông Murata nói.

Ông cho biết nhiều khách hàng từ Malaysia và Indonesia thường đến trung tâm thương mại Takashimaya ở Singapore. Sau đó, họ tiếp tục ghé thăm cửa hàng của Takashimaya tại Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sang các nước này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Takashimaya cũng muốn kết nối các cửa hàng trong khu vực ASEAN. Ông Murata hy vọng các cửa hàng tại TP HCM, Thái Lan và Singapore sẽ sớm hợp tác. Ông cho biết sự hợp tác này có thể bao gồm các dịch vụ dành cho khách hàng nước ngoài, chương trình tích điểm bằng thẻ và hệ thống nhận diện khách hàng.

Chủ tịch Takashimaya nói: “Chúng tôi sẽ lấy Singapore, nơi đang hoạt động rất tốt, làm trung tâm để mở rộng kinh doanh sang các nước ASEAN”.

Ông Murata nhấn mạnh rằng dòng chảy con người đang ngày càng không có ranh giới. Vì vậy, ASEAN cần được xem như một thị trường thống nhất.

 

Mới đây, Việt Nam nâng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên 8%, cao hơn mức dự báo trước đó là 6,5% - 7%. Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ và hàng hóa khác đang tăng mạnh. Tiêu dùng cá nhân cũng mở rộng nhờ sự phát triển của tầng lớp trung lưu và giàu có.

Theo dữ liệu của IMF, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong các nước ASEAN. Dự kiến, mức tăng trưởng hàng năm sẽ đạt khoảng 6% cho đến năm 2029.

Trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu do thương mại truyền thống chi phối. Tuy nhiên, số lượng nhà bán lẻ nước ngoài ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế. Trong những năm 2010, mô hình bán lẻ hiện đại phát triển mạnh.

Lotte Mart của Hàn Quốc mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào khoảng năm 2010. Hiện tại, hệ thống này đã có 16 cửa hàng trên cả nước. Aeon của Nhật Bản gia nhập thị trường vào năm 2014 và mở rộng mạng lưới lên 6 trung tâm mua sắm.

Đức Huy