|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VASEP: Gói hỗ trợ COVID-19 có cũng như không

19:30 | 16/04/2020
Chia sẻ
Theo đánh giá và ý kiến của các DN, nếu DN có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh thì DN gần như đã “chết lâm sàng”.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố báo cáo đánh giá tác động của một số chính sách đã ban hành trước 5/4/2020 hỗ trợ DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Được biết, theo Công văn 860/BHXH –BT ngày 17/3/2020 của BHXH Việt Nam, chính sách cho phép DN được tạm dừng đóng vào quĩ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng sẽ được áp dụng đối với các DN có từ 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại trên 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh.

Tuy nhiên, thông tin từ VASEP cho biết tính đến nay, hầu hết các DN phản hồi không đủ điều kiện để áp dụng chính sách.

Thứ nhất, trong điều kiện khó khăn, ngay cả khi doanh thu không có vì các đơn hàng xuất khẩu bị hoãn và hủy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng và phân chia lịch làm việc của công nhân cho phù hợp để ổn định đời sống người lao động (như trong CV 33 của Hiệp hội đã báo cáo).

Như vậy, DN không thể đạt được tiêu chí “50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh” để DN được hưởng chính sách về BHXH theo công văn 860/BHXH-BT.

Thứ hai, theo đánh giá và ý kiến của DN, nếu DN có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh thì DN gần như đã “chết lâm sàng”.

Với nguy cơ này thì gần như DN sẽ cận kề phá sản và không thể có thể vực lại được sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Như vậy, DN không thể xoay sở nguồn vốn để đóng các khoản phí.

Cuối cùng, VASEP cho biết việc DN chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể, hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai (vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng... đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai). Việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm.

Như vậy, có thể thấy tiêu chí trong CV 860/BHXH-BT của BHXH Việt Nam để cho phép DN được tạm dừng đóng vào quĩ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng là không có tính thực tiễn, khó khả thi để áp dụng trong thực tế và cuối cùng là mất đi tính hỗ trợ như mục tiêu mong muốn.

Đối với chính sách cho phép DN lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các DN có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của DN phải nghỉ việc (theo công văn 245/TLĐ ngày 25/3/2020 của Bộ LĐTBXH), các DN cũng không được thực hiện cũng vì các lí do nêu trên.

Thanh Tùng