Uber lỗ lớn khiến SoftBank chùn tay khi đầu tư vào Grab
Tháng 7/2019, CEO của SoftBank, ông Masayoshi Son đã thăm Indonesia và cam kết sẽ đầu tư thêm 2 tỉ USD vào đất nước đông dân nhất Đông Nam Á thông qua ứng dụng Grab. Với số tiền này, Grab có thể xây một "trụ sở" thứ hai ngay tại Jakarta.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ 3 tháng sau cam kết của ông Son, mọi chuyện rất có thể sẽ đi xa hơn so với dự tính.
Grab hiện đang được định giá 14 tỉ USD, theo CB Insights. "Kì lân" từ Singapore buộc phải tính toán về tỉ suất lợi nhuận như toàn bộ các startup khác trong lĩnh vực công nghệ tại châu Á.
Grab đang gặp cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường tham gia. Ảnh: Nikkei
Cổ đông lớn nhất của Grab là SoftBank đã đầu tư 3 tỉ USD vào ứng dụng. SoftBank được dự đoán sẽ công bố việc khoản đầu tư của họ giảm giá trị trong báo cáo tài chính quí III vào ngày mai (6/11).
Sau vụ việc WeWork, lợi nhuận sẽ là một trong những yếu tố chính mà SoftBank sẽ chân nhắc trước khi đầu tư, theo Nikkei.
"Bạn cần phải có một mô hình kinh doanh thực tế. Không thể nói rằng bạn có thể phá hủy một mô hình kinh doanh truyền thống với ý tưởng không thực tế", Ông Rajeev Misra, người giám sát Quĩ Vision của SoftBank, chia sẻ vào tháng 10/2019.
Mới đây, Uber, hãng gọi xe mà SoftBank cũng có cổ phần, đã gây thất vọng sau khi công bố số lỗ 1,16 tỉ USD trong quí III/2019. Ngay sau khi công bố báo cáo, giá cổ phiếu Uber đã giảm 6% trong phiên ngày 4/11.
Mức độ cạnh tranh tại thị trường lớn nhất Indonesia của Grab vừa bị đặt một dấu hỏi. Nadiem Makarim, đồng sáng lập Go-Jek, đã gia nhập nội các mới của chính phủ Indonesia.
Khi Nadiem Makarim nhậm chức Bộ trưởng bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, việc các doanh nghiệp địa phương có thể sẽ nhận nhiều ưu tiên hơn Grab là hoàn toàn có thể.
"Chúng tôi tin rằng chính phủ Indonesia sẽ tạo ra một môi trường công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người bởi điều đó sẽ đem đến lợi ích cho họ", bà Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab, tuyên bố.
Trong khi đó, một nhà đầu tư mạo hiểm khác cho biết việc lựa chọn Nadiem Makarim ngồi vào ghế bộ trưởng cho thấy chính phủ Indonesia luôn đề cao Go-Jek.
So sánh về nhà sáng lập Grab và Go-Jek về học vấn, trụ sở, thời điểm ra mắt, mức định giá, cổ đông chính, số thị trường gọi xe và số thị trường giao đồ ăn.
Trước những thay đổi này, Grab đang trên đà phát triển thêm các dịch vụ yêu cầu đối tác phải kí quĩ cao hơn, như giao hàng và sức khỏe.
Ngày 30/10, Grab vừa triển khai một hoạt động kinh doanh mới ở Indonesia. Cụ thể, Grab và 60 nhà hàng sẽ phát triển một dòng thực đơn gồm các món đồ ăn chỉ xuất hiện trên ứng dụng Grab.
Dòng thực đơn độc quyền đem lại biên lợi nhuận cao hơn cho Grab. Đổi lại, các đối tác nhà hàng sẽ nhận dữ liệu về xu hướng tiêu dùng của khách hàng để phát triển thêm các thực đơn mới.
Grab hiện đã triển khai mô hình giao đồ ăn ở Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Kì lân Singapore cũng khẳng định họ là ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất tại tất cả các thị trường họ đang tham gia.
"Giao đồ ăn sẽ giúp công ty rút ngắn thời gian đến khi có lãi. Hiện tại giao thực phẩm chỉ chiếm 20% tổng giá trị hàng hóa của Grab nhưng trong tương lai nó sẽ vượt lên mảng gọi xe", Lim Kell Jay, giám đốc phụ trách mảng giao đồ ăn của Grab, tuyên bố.
Ở mảng gọi xe, Grab thu 20% phí từ các đối tác. Tuy nhiên ở mang thực phẩm, công ty thu tới 30% từ các nhà hàng.
Grab công bố họ chiếm thị phần lớn mảng giao đồ ăn nhất ở tất cả các thị trường, theo số liệu trong khoảng thời gian 4/2019-6/2019.
Lim Kell Jay còn tiết lộ Grab có thể sẽ tiến vào Myanmar và Campuchia, những thị trường chưa có dịch vụ giao thực phẩm. Ngoài ra, Grab còn muốn nhảy sang các lĩnh vực khác. Tuy nhiên việc đa dạng ngành ngày một khó khăn hơn khi nhiều đối thủ bắt đầu xuất hiện.
Tháng 10/2019, Grab đã bắt đầu chạy thử nghiệm dịch vụ tư vấn y tế từ xa tại thị trường Indonesia. Grab lên kế hoạch cho dịch vụ tư vấn y tế từ tháng 8/2018 và dự kiến ra mắt trong quí I/2019.
Song, những công ty địa phương trong ngành như Halodoc đã có mặt trước Grab, do đó công ty đến từ Singapore sẽ vô cùng khó khăn để tăng tính cạnh tranh.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2018, CEO Jonathan Sudharta của Halodoc cho hay ngành kinh doanh chăm sóc sức khỏe yêu cầu rất nhiều yếu tố bản địa, cũng như quan hệ với chính phủ và nhận thức cộng đồng. Sudharta nhấn mạnh rằng các công ty nội địa sẽ có ưu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Grab là Go-Jek cũng đang gặp những khó khăn tương tự khi thị trường trở nên khốc liệt hơn. Đặc biệt tâm lí của các nhà đầu tư sẽ có phần lo lắng hơn sau sự ra đi của CEO Makarim.
"Go-Jek sẽ tiếp cận thị trường một cách thực tế hơn. Đây là một kỉ nguyên khác, và chúng tôi sẽ vận hành công ty một cách thích hợp", đồng giám đốc điều hành Kevin Aluwi của Go-Jek chia sẻ.