Grab triển khai dịch vụ ‘y tế từ xa’ GrabHealth ở Indonesia
Grab mới đây đã thử nghiệm dịch vụ GrabHealth tại thị trường Indonesia, thông qua hợp tác cùng 'ông lớn' Trung Quốc Ping An (tên đăng kí kinh doanh tại Indonesia là Good Doctor Technology).
Đây được xem là "sáng kiến" mới nhất của Grab trong mục tiêu trở thành "siêu ứng dụng" của startup gọi xe Đông Nam Á.
Giao diện GrabHealth bên trong ứng dụng Grab tại Indonesia. (Ảnh: e27)
Theo thông tin từ e27, GrabHealth sẽ hoạt động dưới dạng giải pháp chăm sóc sức khoẻ O2O (Online-To-Offline, mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến dựa trên nền tảng số).
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khoẻ ở Indonesia, GrabHealth sẽ đối đầu với một số đối thủ có thể kể tới Halodoc, Alodokter, và SehatQ.
GrabHealth khi hoạt động sẽ cung cấp các tính năng bao gồm trò chuyện, mua thuốc, giao thuộc theo đơn, nội dung chăm sóc sức khoẻ, lưu trữ hồ sơ và giao dịch y tế ngay trong ứng dụng Grab. Người dùng không cần tải về thêm ứng dụng bên ngoài để có thể dùng dịch vụ này.
Bên cạnh đó, dịch vụ bác sĩ tư vấn của GrabHealth cũng có hai tuỳ chọn, trong đó dịch vụ miễn phí cung cấp bởi đội ngũ chuyên gia của GrabHealth hoặc chuyên gia GrabHealth hợp tác với các bệnh viện.
Dịch vụ trả phí trong khi đó có phí khởi điểm tương đương khoảng 1 USD/ ngày.
Với dịch vụ giao thuốc theo đơn, GrabHealth đang hợp tác cùng chuỗi dược phẩm K24. e27 nói rằng không loại trừ khả năng GrabHealth sẽ mở rộng thêm danh sách đối tác để tăng độ phủ sóng.
Grab đang mở rộng dịch vụ cung cấp thông qua ứng dụng của mình để tìm nguồn doanh thu mới bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là gọi xe. (Ảnh: Reuters)
Ngành chăm sóc sức khoẻ tại Indonesia ở thời điểm hiện taị vẫn có độ phân mảnh cao cùng nhiều quy định gắt gao và không quá thân thiện với những thay đổi, sáng tạo, e27 bình luận.
Song với nhiều công ty mới trong lĩnh vực công nghệ sức khoẻ hoạt động, chính phủ Indonesia mới đây đã ban hành những quy định mới liên quan đến cung cấp dịch vụ y tế từ xa.
Nhìn chung, theo quy định này, các dịch vụ từ xa không thay thế hoạt động chẩn đoán bệnh. Chúng chỉ được triển khai để giúp các bệnh nhân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, tiếp cận dịch vụ nhanh và tốt hơn.