|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và CEO Dh Foods là bạn học chung lớp: Người thống trị gian bếp Việt, người khởi nghiệp lại ở tuổi ngũ tuần

07:26 | 17/09/2021
Chia sẻ
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và CEO Nguyễn Trung Dũng DH Foods, người từng lên sóng Shark Tank Việt Nam là đôi bạn học chung từ thời cấp 2, cấp 3.

Ông Nguyễn Trung Dũng là Founder và CEO của startup Dh Foods, một đơn vị chuyên sản xuất gia vị từng lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 để gọi 12 tỷ đồng cho 3% cổ phần. Dù ra về tay trắng, nhưng Dh Foods của CEO Nguyễn Trung Dũng đã lọt vào top những startup ấn tượng nhất chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông Nguyễn Trung Dũng và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan từng là bạn học lớp chuyên toán, trường THCS Trung Vương, Hà Nội và trường cấp 3 Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo TV Hub.

Cả hai đều là những học sinh giỏi, cùng đi học tại Đông Âu, khởi nghiệp từ ngành kinh doanh mì gói và về Việt Nam lập nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Trong đó, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay bắt đầu khởi nghiệp tại Nga từ những năm 1990 thông qua việc bán mì gói cho người Việt sinh sống tại quốc gia này.

Từ công việc kinh doanh thuận lợi, ông đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng. Sau đó, ông mở rộng đầu tư sang các sản phẩm tương ớt.

Tới năm 2002, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang về Việt Nam lập nghiệp với các sản phẩm như nước tương Chinsu, nước mắm Chinsu,… Năm 2007, ông tiếp tục cho ra đời thương hiệu sản phẩm mì gói Omachi. 

Sau khoảng 20 năm lập nghiệp tại quê nhà, tính đến thời điểm hiện tại, gần 98% gia đình Việt có ít nhất một sản phẩm của Masan, theo báo cáo của Kantar Worldpanel. Điều này giúp tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành một trong những tỷ phú USD của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu theo Forbes.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và CEO Nguyễn Trung Dũng: Cùng xuất phát từ mì gói, người thống trị bếp Việt, người lên sóng Shark Tank ở tuổi ngũ tuần - Ảnh 1.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong những người giàu nhất Việt Nam. (Ảnh: MSN).

Trong khi đó, người bạn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, cũng là một người thành công trong việc kinh doanh mì gói tại Ba Lan. Từ những năm 1990, ông Dũng bắt đầu việc kinh doanh nhập mì gói từ Việt Nam sang Ba Lan, bắt đầu với thương hiệu Vifon, trong một startup với bạn bè.

Tới năm 1992, ông Nguyễn Trung Dũng tách ra làm riêng và phân phối sản phẩm mì Thiên Hương. Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Trung Dũng cũng từng chia sẻ về câu chuyện được một đơn vị có tên An Thái tại Long Xuyên thuyết phục.

Trong một chuyến công tác về Việt Nam để tìm đối tác trong ngành mì ăn liền, ông đã gặp một lãnh đạo của công ty An Thái. Mặc dù khi đó không hề biết tới công ty này, nhưng sau khi được mời tới tham quan nhà máy An Thái tại miền Tây, ông Dũng đã tỏ ra ngạc nhiên với dây chuyền sản xuất và đồng ý phân phối 500.000 gói mỳ cho công ty này mỗi năm.

Kết quả đã vượt ngoài mong đợi khi chỉ trong một năm, ông đã đạt được mốc 500.000 gói/tháng. Nhà máy sau đó đã mua thêm một dây chuyền của Nhật Bản, làm ba ca vì kinh doanh ở nội địa khởi sắc và cũng chiếm vị trí số một ở Campuchia.

Nhờ sự phát triển của thị trường Ba Lan, công ty An Thái được dịp ăn nên làm ra, bán được các sản phẩm qua những quốc gia khác như Tiệp, Nga,… Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch công ty An Thái đề nghị mua lại 70% công ty của ông Dũng và muốn phân phối thêm một loại mì sản xuất tại Trung Quốc nhưng đã bị ông Dũng từ chối.

Do không đạt được thỏa thuận, phía An Thái đã "ép" ông Dũng phải trả tiền mặt khi mua hàng, trong khi trước đó cho công nợ 30 ngày với hạn mức tối đa 500.000 USD. Do đó, ông Dũng đã dừng phân phối sản phẩm mì Lucky của công ty An Thái tại Ba Lan, chuyển sang chỉ phân phối mì Thiên Hương với sản lượng chỉ bằng một nửa của Lucky ở phân khúc thấp hơn. 

Do chưa có sản phẩm nào thay thế cho Lucky ngay nên công ty của ông Dũng đã mất dần thị phần mì phân khúc trung cao vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Đối với công ty An Thái, việc mất đơn hàng lớn tại nước ngoài có thể coi là một tổn thất nặng nề, đồng thời công ty cũng muốn tự phân phối tại Nga và Ba Lan nhưng đã thất bại, qua đó dẫn tới việc phá sản. Cuối cùng, ông Dũng đã quyết định trở lại Việt Nam lập nghiệp với độ tuổi không còn quá trẻ bằng cách tham gia Shark Tank Việt Nam.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và CEO Nguyễn Trung Dũng: Cùng xuất phát từ mì gói, người thống trị bếp Việt, người lên sóng Shark Tank ở tuổi ngũ tuần - Ảnh 2.

Ông Dũng và DH Foods từng lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4. (Ảnh: Báo đầu tư).

Trong khi người bạn học trước đây là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gần như thống trị toàn bộ căn bếp của người Việt, ông Dũng đã tìm ra thị trường ngách để khởi nghiệp tại Việt Nam, đó là các sản phẩm gia vị.

Ông Dũng đã thành lập thương hiệu Dh Foods với các sản phẩm như muối tôm, muối ớt Tây Ninh, muối chanh ớt mù tạt Nha Trang,… được phân phối bởi nhiều hệ thống siêu thị ở Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đi 10 nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Đức, Mỹ,…

Trả lời Shark Nguyễn Xuân Phú về bức tranh tài chính trên sóng Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết trong 5 năm gần nhất, Dh Foods tăng trưởng trung bình 50%/năm, doanh thu gần nhất đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trong năm 2020 là 10%.

Ông Dũng cũng là một trong những nhà đầu tư nhiều tuổi nhất tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4. Dù không chốt deal thành công, nhưng sau chương trình, DH Foods đã được các nhà đầu tư "ngoài bể" chốt deal 12 tỷ đồng cho 5% cổ phần. Câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần của ông Nguyễn Trung Dũng cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Quốc Anh