|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Từ 'siêu lừa' Huyền Như đến tiền gửi 'bốc hơi': Chốt an toàn nằm ở đâu?

07:20 | 28/05/2018
Chia sẻ
 “Yêu cầu về sự chính xác và đặc biệt là sự an toàn trong hoạt động ngân hàng, có thể coi là nguyên tắc kép quan trọng nhất, đã được quy định trong nhiều văn bản", luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
tu sieu lua huyen nhu den tien gui boc hoi chot an toan nam o dau

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như sẽ tiếp tục hầu toà vào đầu tuần tới.

Siêu lừa Huyền Như tiếp tục hầu toà

Toà Án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM cho biết, hôm nay (28/5) sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, để xem xét kháng cáo của 5 nguyên đơn yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) có trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 9/2/2018, TAND TPHCM đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhanh TPHCM và 7 năm tù với Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh Tp.HCM cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Toà cũng buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty 1.085 tỷ đồng.

Sau bản án sơ thẩm trên, 5 công ty gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) (thiệt hại 210 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên (125 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) (380 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (150 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc (179 tỷ đồng) đã kháng cáo.

Kháng cáo của các nguyên đơn dân sự cùng thể hiện, họ gửi tiền vào VietinBank thủ tục hợp pháp, chứng từ đầy đủ, không vi phạm quy định của pháp luật. 5 nguyên đơn dân sự cho rằng VietinBank có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng công tác kiểm tra kiểm sát để Huyền Như và đồng phạm có hành vi phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp đến khách hàng.

Từ đó, các nguyên đơn dân sự đề nghị cấp phúc thẩm buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo, bồi thường thiệt hại cho 5 nguyên đơn dân sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

“Nhiều người nói chúng tôi không có cơ hội thắng”

Là người theo kiện 2.500 ngày trong vụ án này, doanh nhân người Malaysia Josephine Yei Pheck Joo - Tổng giám đốc Công ty Saigonbank Berjaya (SBBS) (công ty đã thiệt hại 210 tỷ đồng trong đại án Huyền Như), cho biết 7 năm liên tục từ năm 2011, không một ngày nào bà bỏ sót lịch làm việc với các luật sư.

Chia sẻ về phiên toà sắp tới, bà cho biết: “Rất nhiều người nói với tôi rằng, chúng tôi sẽ không có nhiều cơ hội để thắng trong phiên tòa ngày 28/5 sắp tới. Nhưng SBBS và 4 công ty kia quyết tâm theo kiện để nhận lại được số tiền vì đó là công lý, là sự minh bạch và chặt chẽ của pháp luật Việt Nam về quản lý tài chính ngân hàng”.

“Tôi không còn nhớ mình đã đến tòa án bao nhiêu lần và dùng bao nhiêu thời gian để gặp mặt luật sư. Tôi chỉ nhớ số lần mình gặp mặt họ còn nhiều hơn là gặp mặt người thân”, bà nói.

Bà Joo chia sẻ: “7 năm rồi, dường như vị giác của tôi đã không còn hoạt động, không thể ăn tròn một bữa cơm ngon miệng. Trong giấc ngủ của tôi, số tiền 210 tỷ đó không còn chỗ để tôi có thể mơ một giấc mơ hay có một đêm ngon giấc. Tôi hoàn toàn bị ám ảnh bởi hơn 2.500 ngày kể từ khi vụ án xảy ra”.

“Chúng tôi không bỏ cuộc vì tôi không chỉ đang bảo vệ tài chính của SBBS, mà còn không muốn tạo một tiền lệ xấu. Bạn bè của tôi - những nhà đầu tư ở Malaysia, Singapore cũng đang theo dõi vụ án này. Bản án cuối cùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”, bà nói thêm.

Chốt an toàn phải nằm ở ngân hàng

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC cho rằng, gần như không có sự tranh cãi về trách nhiệm trong việc xảy ra mất tiền gửi ngân hàng đối với những trường hợp chỉ có lỗi của một bên như do lỗi của khách hàng khi làm mất thẻ ngân hàng, để lộ mật khẩu hoặc những trường hợp hoàn toàn do lỗi của ngân hàng, như tội phạm gian lận lệnh hay giấy tờ rút tiền.

Ông Đức cho rằng, khách hàng tin tưởng khi giao dịch với ngân hàng, thì cũng đồng nghĩa với việc tin vào những nhân viên thay mặt cho ngân hàng. Người gửi tiền có thể mù chữ hay rất lớ ngớ, nên hoàn toàn có thể nhầm lẫn, sai trái như ký giấy rút tiền, giấy uỷ quyền,... theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng. Nhưng nhân viên ngân hàng thì phải nắm vững và làm đúng quy định.

“Yêu cầu về sự chính xác và đặc biệt là sự an toàn trong hoạt động ngân hàng, có thể coi là nguyên tắc kép quan trọng nhất, đã được quy định trong nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN nêu trên. Chỉ riêng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã nhắc đến 11 lần từ “chính xác” và 54 lần từ "an toàn", ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, yêu cầu về mức độ an toàn tiền gửi ngân hàng rất cao. Vì vậy, khách hàng dù có lỗi sai trái đến đâu, nếu ngân hàng làm đúng nguyên tắc, quy định, quy trình thì cũng không mất được tiền gửi. Do đó, trong các trường hợp mất tiền gửi có lỗi hỗn hợp của hai bên, thì ngân hàng phải chịu ít nhất 90% trách nhiệm. Nếu như nhân viên ngân hàng lại còn tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi, thì gần như 100% lỗi mất tiền phải là của ngân hàng.

“Cái chốt an toàn tiền gửi nằm trong tay ngân hàng. Khách hàng bị mất tiền oan là vì ngân hàng đã không hành xử đúng pháp luật và bảo đảm an toàn tiền gửi trên thực tế”, ông Đức nhấn mạnh.

Phương Dung