|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi từ KBNN xuống thấp nhất kể từ năm 2021, Big4 mất đi nguồn vốn giá rẻ

14:00 | 06/01/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh tăng tốc giải ngân đầu tư công vào dịp cuối năm, Kho bạc Nhà nước đã rút khoảng 270.000 tỷ đồng khỏi ba nhà băng Vietcombank, BIDV và VietinBank.

Kho bạc đã rút 270.000 tỷ khỏi Vietcombank, BIDV và VietinBank

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) được gửi tại các ngân hàng đã giảm mạnh trong bối cảnh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vào dịp cuối năm. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Xét về số tuyệt đối, đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch nămvà tăng 19,9% so với năm trước.

Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công đã được Chỉnh phủ thúc giục tới các đơn vị tỉnh thành ngay từ đầu năm 2023 nhằm tạo động lực tăng trưởng kinhtế trong bối cảnh tiêu dùng yếu và ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới.

 

Cùng với con số kỷ lục này, tiền gửi của KBNN từng là một trong những nguồn vốn giá rẻ lớn của các "ông lớn" ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã sụt giảm mạnh (sau khi tăng đột biến trong năm 2022).

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhóm Big4 (không bao gồm Agribank do không công bố), tiền gửi từ KBNN tiếp tục xu hướng sụt giảm mạnh so với những quý liền trước và cùng kỳ. 

Tính đến ngày 30/9/2023, KBNN chỉ còn để khoảng gần 24.000 tỷ đồng tại ba nhà băng là Vietcombank, BIDV và VietinBank, giảm khoảng một nửa so với quý liền trước.

Tổng tiền gửi mà KBNN để ở ba nhà băng trên vào cuối quý III/2023 là thấp nhất kể từ quý III/2022. So với cuối năm 2022, KBNN đã rút ra khoảng gần 270.000 tỷ đồng từ ba ông lớn ngân hàng trên. 

Tiền gửi KBNN tại các ngân hàng thường chạm đáy vào quý III sau đó tăng lên vào cuối quý IV.

Vào cuối quý III/2023, VietinBank trở thành ngân hàng được KBNN gửi tiền nhiều nhất, đạt gần 20.730 tỷ đồng, gấp gần 5 lần trong so với thời điểm cuối quý trước đó, nhưng vẫn chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn cuối quý IV/2022. 

Vietcombank là ông lớn được KBNN gửi nhiều thứ hai, với số dư 1.529 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Số dư này đã tăng nhẹ so với quý liền trước nhưng thấp hơn đáng kể so với cuối năm ngoái. 

Ở chiều ngược lại, BIDV lại là nhà băng bị KBNN rút tiền nhiều nhất, giảm từ gần 40.000 tỷ vào cuối quý II xuống chỉ còn 1.418 tỷ đồng vào ngày 30/9. Thông thường, BIDV luôn là ông lớn được KBNN lựa chọn để gửi tiền nhiều nhất. 

Tiền gửi của KBNN là nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho Big4, giúp những nhà băng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng. 

Quy định mới khiến Big4 mất lợi thế

Thông tư 26cho phép một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại các ngân hàng thương mại được tính vào phần dư địa cho vay thêm của hệ thống, theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay, có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống.Trước đó, quy định cũ không cho phép đưa tiền gửi KBNN vào cấu phần tổng huy động khi tính toán tỷ lệ LDR.

Quy định mới này sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ KBNN. Vào cuối quý III/2023, lượng tiền gửi của KBNN (đa số là tiền gửi có kỳ hạn) được tính vào cấu phần tổng tiền gửi là gần 12.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên,từ ngày 1/1/2024, lượng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN được tính vào cấu phần tổng tiền gửi khi tính toán tỷ lệ LDR sẽ bị khấu trừ 60%, thay vì 50% như trong năm 2023.

Sự thay đổi này có chiều hướng làm gia tăng áp lực huy động tiền gửi có kỳ hạn đối với các ngân hàng thương mại để thay thế lượng tiền gửi của KBNN phải khấu trừ thêm hoặc phải hạn chế cho vay để duy trì tỷ lệ LDR. Áp lực này sẽ lớn hơn tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank và BIDV).

Trung bình 3 năm (2022, 2021, 2020), tổng tiền gửi của KBNN tại ba ông lớn Big4 vào cuối quý IV là gần 170.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng quy định mới, số tiền được tính vào tổng tiền gửi sẽ giảm khoảng 17.000 tỷ đồng (20% so với quy định áp dụng trong năm 2023).

Ngoài ra, mức khấu trừ của Thông tư 26 cũng sẽ tăng dần theo các năm. Trong năm 2025 sẽ là 80%, còn kể từ năm 2026 sẽ không được tính vào tổng tiền gửi. Do đó, việc nguồn vốn lớn giá rẻ này rút khỏi các ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới chi phí vốn của các ngân hàng. 

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ LDR của toàn hệ thống vào cuối tháng 10 đang ở mức 76,75%. Trong đó, LDR của các ngân hàng thương mại cổ phần (bao gồm ba ông lớn Vietcombank, BIDV và VietinBank) là 79,26%. Tỷ lệ LDR tại nhóm NHTM cổ phần đã tăng so với đầu năm (77,93% vào cuối tháng 1/2023) và cùng kỳ năm trước (77,98% vào cuối tháng 11/2022). 

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức độ hỗ trợ của Thông tư 26 về việc cho phép tính tiền gửi của KBNN vào tỷ lệ LDR sẽ giảm dần từ năm 2024, ít nhiều sẽ khiến áp lực chi phí huy động tăng lan tỏa dần trong hệ thống.

"Hay nói cách khác, lãi suất huy động có thể sẽ nhích dần lên trong năm 2024, theo cùng tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế", theo VDSC.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).