|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kho bạc Nhà nước rút hơn 110.000 tỷ từ các Big4 trong quý III

08:15 | 01/11/2024
Chia sẻ
Cuối quý III, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ba ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank là gần 175.600 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối quý trước.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại nhóm ba ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV vào cuối tháng 9 ở mức 175.596 tỷ đồng, giảm 40% so với quý liền trước, tuy nhiên so với đầu năm thì vẫn tăng.

Trong đó, BIDV - ngân hàng thường được KBNN lựa chọn để gửi tiền nhiều nhất, ghi nhận số dư tiền gửi kho bạc là 74.645 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, 73.264 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.382 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Nếu so sánh với cuối quý II/2024, số dư tiền gửi KBNN tại đây giảm gần 38%. 

VietinBank là ông lớn được KBNN gửi nhiều thứ hai, với số dư 65.310 tỷ đồng tiền gửi thanh toán vào cuối quý III/2024, gấp 3 lần so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, số dư này đã giảm 42.408 tỷ đồng so với quý liền trước (107.718 tỷ đồng).

Trong khi đó, Vietcombank nhận được số tiền gửi là 35.641 tỷ đồng vào cuối quý III, tương đương hơn một nửa số tiền gửi tại VietinBank, trong đó 34.229 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.412 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn bằng cả VND lẫn ngoại tệ. 

Trong năm, số dư tiền gửi KBNN tại đây cũng có sự biến động mạnh khi đầu năm chỉ ở mức 770 tỷ đồng, đến cuối quý II tăng lên 62.534 tỷ đồng rồi giảm gần một nửa vào cuối quý III.

 

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước được gửi tại các ngân hàng thường thay đổi theo thời gian và có tính mùa vụ, chịu tác động từ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, cuối quý III/2022, số dư tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng quốc doanh đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2019 (gần 306.000 tỷ). Con số này giảm dần (nhẹ) trong hai quý tiếp theo và sụt mạnh về dưới 50.000 tỷ trong quý II/2023. Cuối quý III/2023, số dư tiền gửi KBNN chạm mức thấp cả năm hơn 23.700 tỷ.

Trong năm 2024, số dư tiền gửi của KBNN tăng trở lại và đạt đỉnh vào cuối tháng 6 với hơn 290.000 tỷ đồng. Con số này giảm 40% trong quý III trong bối cảnh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vào dịp cuối năm. 

Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước đạt 29,39% với số tiền thanh toán ở mức 196.700 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 320.566 tỷ đồng, như vậy đã có thêm hơn 123.000 tỷ được giải ngân thêm trong quý III.

Mặc dù đã có tín hiệu tích cực từ giải ngân trong quý III nhưng tỷ lệ thực hiện mới được 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và so với kỳ vọng. Do đó, việc đẩy nhanh đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.

 Diễn biến lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng (Nguồn: Wichart)

Tiền gửi của KBNN là nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho Big4, giúp những nhà băng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng.

Các ngân hàng trong nhóm Big4 hầu như vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất quá mạnh, giữ mặt bằng lãi suất thấp hơn so với thị trường, bất chấp xu hướng tăng lãi suất chung trên toàn thị trường bao gồm cả lãi suất của kỳ hạn từ 6-12 tháng và trên 12 tháng. 

Theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm Big4 vẫn đang duy trì ở mức 4,68%, trong khi lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở mức 4,8%/năm, tăng khoảng 0,5 điểm % so với mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 3. Lãi suất huy động của nhóm ngân hàng khác (những ngân hàng nhỏ hơn) đã ở mức 5,17%/năm, tăng khoảng 0,65 điểm % so với đáy.

 

Minh Nguyệt