|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cắt giảm 80% chi phí dự phòng, Vietcombank giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận

06:54 | 31/10/2024
Chia sẻ
Trong quý III, Vietcombank đã cắt giảm 78% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước, giúp đưa lợi nhuận trước thuế tăng hơn 18% đạt gần 10.700 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ở mức 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7% và thực hiện 75% kế hoạch cả năm (hơn 42.000 tỷ đồng).

Với kết quả này Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng (Agribank không bố bố báo cáo quý III). Tính riêng quý III, lợi nhuận của Vietcombank đang cao hơn á quân Techcombank tới 46% (gần 3.400 tỷ đồng)

Trong quý III, cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Vietcombank đều lấy lại được đà tăng trưởng. Ngoài ra, xét trong 9 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng cũng đã quay lại xu hướng tăng trưởng dương, tuy nhiên thu ngoài lãi vẫn tiếp tục thấp hơn cùng kỳ. 

 

Cụ thể, trong quý III, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ, lên 13.578 tỷ đồng khi thu nhập lãi giảm nhanh hơn chi phí lãi. Cụ thể, thu nhập lãi đã giảm 12,5% (khoảng 3.300 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi giảm tới 30,9% (khoảng 4.300 tỷ đồng) . 

Theo số liệu từ WiChart, trong quý III năm ngoái, lãi suất huy động với kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank dao động trong khoảng 5,5 - 6,3%/năm. Sang năm nay, lãi suất huy động của ngân hàng này chỉ còn 4,6%/năm.

Ngoài ra, lãi thuần từ mảng dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng trưởng 43%, lên 1.272 tỷ đồng. Mảng kinh doanh khác có lãi thuần tăng 7%, đạt 555 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 15% xuống 1.347 tỷ đồng. Hai mảng chứng khoán kinh doanh và góp vốn, mua cổ phần có lãi thuần giảm lần lượt 13% và 66%. 

Mặc dù vậy, thu ngoài lãi của Vietcombank trong quý III vẫn tăng trưởng 2,4%, đạt 3.258 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 16.836 tỷ đồng, tăng 6,7%. 

Trong quý III, chi phí hoạt động của Vietcombank đã tăng 11%, lên 5.811 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên cao hơn. Vietcombank là một trong những ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên. Bình quân trong 9 tháng đầu năm, mỗi nhân viên Vietcombank được ngân hàng chi tới 41,2 triệu đồng/tháng, chỉ kém Techcombank và MB. 

Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm của Vietcombank cũng giảm khoảng 45% so với cùng kỳ. 

Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 5% đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%. Số dư tiền gửi của ngân hàng nhích tăng 2,5%, lên 1,43 triệu tỷ đồng. Trước đó vào cuối quý II, tiền gửi của Vietcombank từng giảm 1,5%.

Số dư tiền gửi của Bộ Tài chính tại Vietcombank đạt 35.641 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tăng mạnh so với đầu năm nhưng giảm khoảng 43% so với cuối quý II (62.534 tỷ đồng). Chi phí lãi tiền gửi của Bộ Tài chính trong 9 tháng đầu năm là 893 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 670 tỷ đồng). 

 

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 35% so với đầu năm. Tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 17.133 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xẩu của Vietcombank từ 0,99% (đã điều chỉnh lại) lên 1,22%, vẫn ở mức thấp so với mặt bằng trong ngành.

Sau 9 tháng, số dư dự phòng rủi ro của Vietcombank đã tăng 22% lên 35.063 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bao phủ 205%, giảm so với kết quả 227% vào đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank vẫn thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành. 

Khoảng 1/3 nợ xấu của Vietcombank là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). (Ảnh: Vietcombank).

Hiện vốn điều lệ của Vietcombank đang là 55.891 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại Vietcombank là 20.695 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 27.666 tỷ đồng. Sau khi được tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng là 83.557 tỷ đồng. Đề xuất trên đang được trình lên Quốc hội phê duyệt. 

Minh Quang

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.