|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kho bạc Nhà nước rút hơn 250.000 tỷ đồng khỏi Big4 sau 6 tháng đầu năm

09:18 | 22/08/2023
Chia sẻ
Lượng tiền rút ra này chiếm 84% trong tổng số tiền mà Kho Bạc Nhà nước đã gửi vào 4 ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank vào cuối năm trước.

84% vốn giá rẻ từ Kho bạc rút khỏi nhóm Big4...

Tiền gửi của Kho Bạc Nhà nước (KBNN) từng là một trong những nguồn vốn giá rẻ lớn của các "ông lớn" ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big4) đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh sau khi tăng đột biến trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của nhóm Big4, tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) vào các nhà băng này đang sụt giảm mạnh so với quý liền trước cũng như so với cuối năm trước.

Tính đến ngày 30/6/2023,KBNN đã mạnh tay rút khoảng hơn 250.000 tỷ đồng khỏi Big4 trong 6 tháng đầu năm. Tổng số tiền mà KBNN đang để ở BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank hiện còn thấp hơn cả thời điểm cuối năm 2021. 

Theo đó, vào cuối quý II/2023, KBNN đang để hơn 46.722 tỷ đồng tại 4 ngân hàng TMCP do nhà nước quản lý, giảm 84,36% so với thời điểm cuối năm 2022. Tiền gửi của KBNN tại Big 4 đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm kể từ quý III/2022.

 

BIDV vẫn là nhà băng được KBNN gửi nhiều tiền nhất, tuy nhiên, số tiền đã giảm từ 140.799 tỷ đồng vào cuối năm ngoái xuống chỉ còn 39.615 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong khi đó, VietinBank hiện chỉ nhận được 4.507 tỷ đồng từ KBNN, so với 103.043 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái.

KBNN cũng mạnh tay rút tiền khỏi Vietcombank. Vào cuối năm 2022, KBNN từng gửi tại nhà băng này 49.548 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới cuối quý II/2023, số dư còn lại chỉ là 1.195 tỷ đồng, giảm gần 98%. Tại Agribank, vào cuối quý II, KBNN còn gửi số tiền là 1.405 tỷ đồng, so với khoảng 5.344 tỷ đồng hồi đầu năm. 

Tiền gửi của KBNN là nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho Big4, giúp những nhà băng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng. Ngoài ra, theo Thông tư 26 có hiệu lực từ cuối năm ngoái, một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN có thể được tính vào cấu phần huy động khi tính tỷ lệ LDR, giúp Big4 có thêm thanh khoản để cho vay nhiều hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ sinh lời. 

Do đó, việc nguồn vốn lớn giá rẻ này rút khỏi các ngân hàng cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới chi phí vốn của các ngân hàng.

... chuyển về gửi không kỳ hạn tại NHNN

Chia sẻ tại họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống KBNN, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN, cho biết cơ quan này gửi 900.000 tỷ đồng là tiền tồn quỹ ngân sách Trung ương, các tỉnh, huyện và hơn 100.000 số dư tài khoản...

"Hiện nay có khoảng gần 700.000 tỷ đồng đang được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính với lãi suất 0,8%/năm. Gần 270.000 tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm", ông Hoàng nói.

Cập nhật con số ngân sách vào ngày 1/6,Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin trong tổng tiền tồn dư ngân quỹ nói trên, có 895.000 tỷ đồng gửi NHNN, lãi suất 0,8%/năm; 130.000 tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại.Như vậy, trong những tháng đầu năm, hàng trăm nghìn tỷ đồng ra khỏi các NHTM và chuyển vào gửi tại NHNN.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, số tiền mà KBNN đang gửi tại các ngân hàng là nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia. 

“Số tiền này đã có kế hoạch chi cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác”, ông nói.

Cũng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (34,47%). 

Minh Quang