|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Nguyễn Đình Cung: Chính sách tiền tệ đã quá sức, đang đối nghịch với chính sách tài khóa

09:57 | 27/07/2023
Chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.

Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết qua theo dõi nhiều năm nay, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam ảm đạm như vậy. Chỉ có ba chỉ số có vẻ tốt gồm thu ngân sách, dịch vụ và tiêu dùng, cán cân thương mại.

Ông nhấn mạnh trong thời điểm hiện nay, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

"Chúng ta hay nói đến kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa có sự kết hợp. Chính sách tiền tệ đã quá sức, cần phải xem xét lại việc kết hợp giữa hai chính sách này", ông nói.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề cập đến việc không nên tăng thu ngân sách trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, nền kinh tế ảm đạm.

Ông cho rằng hai chính sách tiền tệ và tài khóa đang đối nghịch nhau và cách tiếp cận chính sách hiện nay chưa đúng. Điều quan trọng đầu tiên là phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cần cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ. 

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Việc dựa nhiều vào chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế đã từng được nhiều chuyên gia nói đến. Tại hội thảo mới đây, TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP nêu vấn đề Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Ông cho rằng việc công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức sẽ làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.

Kinh tế trưởng UNDP khuyến nghị Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nền kinh tế lúc này rất cần chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tức là khi nền kinh tế suy thoái thì cần chi tiêu nhiều hơn, giảm thu thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. 

Ông cũng cảnh báo dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, do độ trễ chính sách rất lớn trong khi đó tình hình kinh tế lại biến động rất nhanh.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn, nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả. Chuyên gia nhấn mạnh tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập và cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%. 

"Ở Việt Nam, cứ 5-7 năm lại xảy ra một đợt bong bóng giá tài sản, giá bất động tăng gấp đôi, gấp ba, đây chính là lý do tăng trưởng cung tiền ở Việt Nam quá cao. Tuy nhiên nếu thắt chặt quá lại gặp những vấn đề như cuối năm ngoái. Vì vậy tôi khuyến nghị tăng trưởng cung tiền chỉ quanh mức 10% và đặc biệt phải kiểm soát tiền cơ sở", ông nói.           

Anh Đào