TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất 9 tháng đầu năm 2023
Thống kê từ 27 ngân hàng thương mại niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã có xu hướng phục hồi trong hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2022, CASA của các nhà băng vẫn đang giảm khoảng 1,4 điểm %.
Sau khi tụt xuống 16,27% vào quý I/2023, CASA ngành ngân hàng đã phục hồi trong hai quý liên tiếp. Tính đến cuối quý III, CASA của 27 ngân hàng niêm yết đã tăng lên 17,61%. Kể từ quý I/2022, CASA của toàn ngành đã rơi vào chu kỳ giảm và phải tới quý II/2023 mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng tỷ lệ CASA, với hai đại diện MB và Techcombank giữ vị trí đầu bảng, trong khi Vietcombank xếp thứ ba. Trái với xu hướng chung, tỷ lệ CASA của MB đã quay đầu giảm so với quý II, xuống còn 35,4%.
Tương tự, tỷ lệ CASA của Techcombank cũng giảm nhẹ nhưng số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này lại tăng lên so với quý II. Vietcombank ghi nhận đáy của tỷ lệ CASA vào quý II/2023 và cũng đã phục hồi lên 30,3% trong quý vừa qua.
Những vị trí tiếp theo trong danh sách thuộc về MSB, ACB, VietinBank, BIDV, TPBank, Sacombank và SeABank. Trong đó, SeABank đã ghi nhận kết quả vượt trội về tỷ lệ CASA trong quý III/2023, tăng 7,4 điểm % so với cuối năm ngoái và 8,5 điểm % so với quý liền trước, vươn lên vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng, thế chỗ cho PGBank.
BIDV và TPBank cũng cải thiện được thứ hạng trong bảng xếp hạng, với tỷ lệ CASA lần lượt đạt 18% và 17,3%, phục hồi 2,1 điểm % và 3,2 điểm % so với đáy từ quý I/2023. Trong khi đó, Sacombank tụt xuống vị trí thứ 9 với tỷ lệ CASA ở mức 17,1%.
Ngoài SeABank, chỉ có OCB ghi nhận tỷ lệ CASA quý III/2023 cải thiện so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, nếu lấy mốc so sánh là quý I/2023, có tới 21/27 ngân hàng ghi nhận kết quả tích cực về CASA. Còn nếu so với quý II/2023, có 16/27 nhà băng chứng kiến tỷ lệ CASA đi lên.
Nhìn chung, tỷ lệ CASA đã phục hồi khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành và các nhà băng rơi vào cảnh "thừa tiền", buộc phải giảm lãi suất tiết kiệm để tối ưu chi phí vốn, duy trì lợi nhuận. Khi lãi suất tiền gửi thấp đi, người dân thường có xu hướng giữ tiền nhàn dỗi để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt hơn.
Tuy nhiên, mức phục hồi CASA vẫn còn khiêm tốn do nền kinh tế nền kinh tế phục hồi chậm và nhu cầu đầu tư vào bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục yếu.