Trước thềm vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, Tổng công ty đường sắt báo lãi nửa đầu năm giảm 20%
6 tháng đầu năm, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR - công ty mẹ) đặt doanh thu thuần 1.270 tỷ đồng, tăng trưởng 8,3%. Tuy nhiên, biên lãi gộp chỉ đạt 13,6% giảm so với mức 20% cùng kỳ năm ngoái.
Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty đường sắt Việt Nam giảm hơn 20% còn 109 tỷ đồng. Trong quý II, VNR đạt doanh thu thuần 644 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 38 tỷ đồng.
Cơ cấu chi phí hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí nguyên vật liệu 457 tỷ đồng (41,5%), chi phí nhân công 373 tỷ đồng (34%), còn lại chia đều cho các chi phí khác.
Tính đến thời điểm 30/6, VNR nắm giữ 665 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2017, ngoài ra tiền gửi chờ đáo hạn khoảng 310 tỷ đồng… Tổng giá trị tiền 975 tỷ đồng.
Tài sản VNR chủ yếu là tài sản cố định, giá trị còn lại cuối kỳ đạt 10.834 tỷ đồng (nguyên giá 22.692 tỷ đồng và khấu hao lũy kế 11.858 tỷ đồng) gồm nhà cửa kiến trúc, phương tiện vận tải và máy móc thiết bị… Giá trị quyền sử dụng đất nắm giữ gần 390 tỷ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ 1.468 tỷ đồng giảm gần 90 tỷ đồng so với năm ngoái, trong đó giá trị vay nợ thuê tài chính dài hạn 726 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2018 VNR đặt nhiệm vụ trọng yếu là tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt trên cao). Kế hoạch dự kiến kinh phí hoạt động trong năm 2018 là 165 tỷ đồng (gồm chi phí vận hành thử và vận hành thương mại dự kiến từ tháng 9/2018). Hôm 9/8 vừa qua, đoàn tàu đã chạy thử xuất phát từ Cát Linh đi Yên Nghĩa.
Chạy thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: Zing) |
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.