Trung Quốc xem xét giảm lượng protein trong thức ăn chăn nuôi vì nguồn cung đậu nành thắt chặt
Trung Quốc đang bước vào mùa thường được xem là mùa thu mua đậu nành Mỹ, nguồn protein quan trọng đối với thức ăn chăn nuôi gia súc, và thuế quan cao hơn, một phần của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang, có thể kéo giá tăng cao.
Vì vậy, Hiệp hội ngành thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc muốn hạn chế lượng protein thô và tổng lượng photpho trong thức ăn chăn nuôi heo, gà đẻ trứng và gà thịt. Mục đích là để giảm khối lượng nguyên liệu thô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường từ trang trại nuôi động vật, theo một văn bản soạn thảo công bố vào cuối tháng 9.
Ảnh: Reuters. |
Hướng dẫn này chỉ khuyến khích sử dụng lượng protein tối thiểu đối với thức ăn chăn nuôi gia súc.
Ví dụ, theo hướng dẫn của đề xuất, các hộ chăn nuôi được tư vấn để nuôi heo của mình đạt hơn 100 kg cho đến khi được đưa tới lò giết mổ với lượng thức ăn chứa 10 – 12,5% protein. Con số này thấp hơn lượng các hộ chăn nuôi Trung Quốc thường dùng để nuôi heo, khoảng 13 – 14% protein, theo các chuyên gia.
Hiệp hội đã trưng cầu ý kiến người dân về đề xuất cần phải được hoàn thành vào ngày 15/10. Hướng dẫn sẽ cần sự thông qua từ chính phủ Trung Quốc trước khi được áp dụng.
Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên 34 tỉ USD giá trị hàng hóa Mỹ, gồm cả đậu nành, vào ngày 6/7 nhằm đáp trả thuế quan Mỹ đánh lên lượng hàng hóa tương đương của Trung Quốc.
Người tiêu thụ đậu nành hàng đầu thế giới đang tìm nhiều phương pháp để giảm lượng bột đậu sử dụng trong thức chăn nuôi gia súc, gồm chuyển sang nguyên liệu thay thế và giảm lượng protein.
Với việc giá bột đậu tăng đột biến vì lo ngại chiến tranh thương mại, các chuyên gia phân tích cho biết người chăn nuôi Trung Quốc và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được khuyến khích giảm lượng bột đậu sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Giá bột đậu Trung Quốc đã tăng 20% kể từ tháng 6, lên mức cao kỉ lục 3.539 nhân dân tệ/tấn (tương đương 511 USD/tấn) hôm 11/10.