Trung Quốc trước quyết định then chốt: Lựa chọn kinh tế hay nguyên tắc nền tảng?
Dưới đây là bài xã luận của hai ông Michael K. Farr và Dan Mahaffee đăng trên tờ CNBC.
Ông Michael K. Farr là Chủ tịch kiêm CEO của công ty quản lý đầu tư Farr, Miller & Washington. Còn ông Dan Mahaffee là Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống và Quốc hội ở Washington.
Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc giai đoạn 1978 - 1989 và được công nhận là "kiến trúc sư của Trung Quốc thời kỳ hiện đại", từng kêu gọi đất nước hãy "che giấu năng lực và chờ thời cơ đến".
Thông qua chính sách và đường lối riêng, Chủ tịch Trung Quốc hiện tại Tập Cận Bình đang mạnh dạn tuyên bố, thời gian lẩn tránh và chờ đợi đã chấm dứt. Dưới thời ông Tập, tham vọng của Trung Quốc trên trường quốc tế đã thể hiện rõ, dù là trên phương diện ngoại giao hay kinh doanh.
Bắc Kinh không thể tiếp tục ca ngợi các mối quan hệ kinh tế quốc tế khi mà nước này bị cáo buộc là đã đánh cắp công nghệ nước ngoài, phớt lờ vấn đề sở hữu trí tuệ và trấn áp người dân tại Hong Kong cũng như Tân Cương.
Hơn nữa, thế giới cũng không thể bỏ qua cách mà ông Tập đang muốn định hình lại chính Trung Quốc, khi các doanh nhân im hơi lặng tiếng, doanh nghiệp và xã hội chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính phủ.
Hiểu lầm phương Tây
Binh pháp Tôn Tử cho rằng biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Trung Quốc tin rằng phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng thường xem trọng kinh tế hơn và sẵn sàng hy sinh nguyên tắc để theo đuổi lợi nhuận.
Tuy nhiên, trải nghiệm gần đây của Australia chứng minh rằng Trung Quốc có thể đã đánh giá sai.
Một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs của cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger có đoạn: "Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, khi chịu lệnh cấm vận thương mại có chủ đích của Bắc Kinh, các doanh nghiệp Australia sẽ kêu gọi chính phủ nhượng bộ chính trị Trung Quốc".
"Tuy nhiên, người dân Australia, gồm cả giới lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu, đều hiểu rằng chấp nhận tối hậu thư của Trung Quốc sẽ buộc họ phải tuân theo một yêu cầu nguy hiểm", ông Pottinger viết tiếp.
"Doanh nghiệp Australia chấp nhận thiệt hại, vượt qua lệnh cấm vận và tìm kiếm thị trường mới. Người dân đất nước châu Đại Dương quả quyết rằng chủ quyền quan trọng hơn việc bán tôm hùm. Giới chức ở Bắc Kinh, những người tin tin rằng Canberra sẽ đặt lợi ích kinh tế lên trên các giá trị nền tảng, ắt sẽ hoang mang", ông Pottinger nhấn mạnh.
Trung Quốc muốn kinh tế hay nguyên tắc?
Trong khi gây sức ép với các đồng minh của Mỹ ở nước ngoài, ngay tại quê nhà, ông Tập đang tìm cách định hình lại nền kinh tế và xã hội Trung Quốc theo hướng thị trường do nhà nước điều khiển.
Chính phủ ban hành một loạt các biện pháp sâu rộng đối với khu vực tư nhân lẫn hoạt động cá nhân. Bắc Kinh quy định cách doanh nghiệp viết thuật toán, trấn áp các tài khoản mạng xã hội "phím hàng" chứng khoán hay đăng tải thông tin tài chính, quy định trẻ em có thể chơi game bao nhiêu giờ, áp dụng luật an ninh quốc gia mơ hồ với các vấn đề thương mại và công nghệ,…
Jack Ma là một minh chứng điển hình. Nhà sáng lập gã khổng lồ công nghệ Alibaba đã phải "ở ẩn" gần một năm qua sau khi công khai chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc.
Ngày 27/10/2020, cổ phiếu của Alibaba được giao dịch ở mức khá cao là 319,32 USD. Kết phiên tuần trước, giá cổ phiếu đã tụt gần một nửa xuống còn 170 USD và biểu đồ kỹ thuật vẫn còn tiêu cực.
Tuy nhiên, tham vọng quyền lực của Trung Quốc đang bị những thiệt hại kinh tế ngáng đường. Giờ đây, thế giới có thể biết được liệu Trung Quốc muốn theo đuổi kinh tế hay các nguyên tắc nền tảng mà chính giới lãnh đạo đặt ra.
Nhiều năm trước, Sơ Irene Kraus - nữ tu điều hành một hệ thống bệnh viện lớn, từng quả quyết: "Có tiền mới có sức". Câu nói này cũng có thể là lời khuyên hay cho các nhà lãnh đạo chính phủ. Hay như chiến lược gia Đảng Dân chủ James Carville từng nói với cử tri Mỹ: "Quan trọng nhất là nền kinh tế!"
Tóm lại, thật khó để điều hành đất nước một cách hiệu quả nếu Trung Quốc không có một nền kinh tế có thể hỗ trợ người dân, đảm bảo xã hội yên ổn và được tôn trọng trên trường thế giới.