|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đồng loạt giảm nhu cầu, xuất khẩu gạo Việt gặp khó

20:32 | 24/06/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn khi các thị trường lớn đều giảm nhập khẩu. Nhiều khả năng tình hình này sẽ kéo dài trong những tháng tới.

Giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng giảm hơn 20%

Tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 với sự tham gia của các địa phương sản xuất gạo và thương nhân xuất khẩu gạo diễn ra ngày 24/6 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, ngoại trừ thị trường Philippines. 

Cụ thể, tính đến ngày 31/5, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỉ USD, giảm 6,3% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kì năm trước. Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đồng loạt giảm.

27db131f276fc3319a7e

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị Sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 24/6 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh).

Trong đó, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam hơn 223.000 tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kì năm 2018 do tồn kho cao và việc nước này nâng cao hàng rào kĩ thuật. 

Đáng chú ý, Trung Quốc từng là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần thì nay xuống thứ 3 (sau Philippines và Malaysia), còn 8,1%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang các thị trường khu vực châu Phi, châu Âu và châu Mỹ để cân đối tình hình xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt sự thay đổi cơ chế của Philippines, các thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana cũng tăng lên. Hoàn thành nhiệm vụ tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân, doanh nghiệp thể hiện sự linh hoạt cao", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Cung lúa gạo tháng 6 thế giới tăng trong khi cầu một số thị trường lớn giảm

Dự báo tình hình thị trường thời gian tới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tháng 6/2019 nguồn cung lúa, gạo thế giới sẽ tăng do sản lượng gạo của các nước sản xuất lớn tăng. Cụ thể Thái Lan tăng 138.000 tấn so với năm trước, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn.

Năm 2019, Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo 5,32 triệu tấn nhưng dự báo chỉ nhập khoảng 3,5 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2018.

Cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sẽ khá ảm đạm.

Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu gạo tăng cường công tác thông tin thị trường, theo dõi tình hình thực hiện các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã kí với các quốc gia, vùng lãnh thổ

Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương cho rằng cần hết sức coi trọng thị trường Trung Quốc, vì họ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn. 

"Nhu cầu gạo dù có giảm đi nhưng với số lượng dân lớn thì vẫn là lớn, hạn ngạch của họ là 2,6 triệu tấn gạo dài/năm. Đặc biệt quan tâm tới việc kết nối với bên ngoài, nếu có thể kết nối với 2 - 3 nhà phân phối lớn của nước ngoài, họ đặt hàng thì ta sẽ đặt hàng lại cho nông dân, như vậy mới tạo được chuỗi liên kết hoàn chỉnh và hiệu quả", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Tận dụng cơ hội từ Nghị định 107 của doanh nghiệp chưa cao

Theo Bộ Công thương, sau 9 tháng thực thi Nghị định 107/2018 về xuất khẩu gạo đã có 41 doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng tổng số doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo lên 177. 

Tuy nhiên, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết trong 41 thương nhận được cấp mới chỉ có 12 thương nhân thuê kho và cơ sở xay, xát, chế biến đáp ứng điều kiện kinh doanh, chiếm 29% số thương nhân mới được cấp giấy chứng nhận và 29 thương nhân có sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh.

"Kết quả này cho thấy tuy điều kiện kinh doanh đã được nới lỏng cho phép thuê, nhưng đa phần thương nhân chọn đầu tư, gắn bó lâu dài với sản xuất, xuất khẩu gạo", Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin.

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa tận dụng được qui định ưu đãi trong Nghị định 107. Cụ thể, Nghị định quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận. 

"Tuy nhiên hiện chưa có doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất theo hướng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

0a49d09fe7ef03b15afe

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 24/6 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Bên cạnh đó, nhiều thương nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo định kì gửi Bộ Công Tương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành.

Theo danh sách thống kê, đến nay mới có 76/177 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó chỉ có hơn một nửa (39 thương nhân) có báo cáo định kì, thường xuyên.

"101 doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định có thể bị tước giấy phép xuất khẩu gạo", ông Phan Văn Chinh, Cục trường Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng Nghị định 107 đã tạo điều kiện thuận lợi nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được. 

"Trước đây nhiều doanh nghiệp cho biết có thể xuất khẩu được gạo thơm, gạo đồ… nhưng khoong xin được giấy phép. Nay Nghị định đã mở cửa, không cần Giấy chứng nhận vẫn được xuất khẩu, nhưng theo thống kê của Hải quan thì chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu những loại gạo này. Việc tận dụng cơ hội từ Nghị định 107 của doanh nghiệp chưa cao", đại diện Bộ Công thương nhận định.

Như Huỳnh