|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo ảm đạm trong suốt 2019

11:50 | 24/06/2019
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều bất lợi về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc. Dự báo các quốc gia nhập khẩu gạo lớn sẽ giảm khối lượng thu mua trong cả năm 2019.

Theo đó, ngoại trừ Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019. 

Nguyên nhân là tồn kho gạo từ vụ cũ ghi nhận ở mức cao tại Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia. Trong khi đó, Bangladesh không những khôi phục sản xuất sau lũ lụt vào 2017, mà còn lên kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm nay.

Trước đó, hôm 23/5, các quan chức chính phủ Bangladesh cho biết quốc gia Nam Á đã tăng thuế nhập khẩu gạo lên 55% từ mức 28% để hỗ trợ người nông dân, trong bối cảnh diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình qui mô lớn vì giá gạo nội địa giảm mạnh.

Giá gạo địa phương tại Bangladesh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm vì nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch năm ngoái và dự báo sản lượng cao kỉ lục trong năm nay.

Và để giải quyết tình trạng này, chính phủ Bangladesh đã quyết định xuất khẩu 1 - 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay để đảm bảo giá lúa công bằng cho người nông dân.

Họ cũng lên kế hoạch tăng dự trữ thóc lên 5 triệu tấn và chi 30 tỉ taka cho cơ giới hoá nông nghiệp, một khoản từ doanh thu của năm ngoái.

Điều này tạo thêm áp lực cho các nhà xuất khẩu lớn như Việt Nam, Thái Lan, và đặc biệt là Ấn Độ, theo Reuters.

Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ ba thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của ba nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều ảm đạm.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu sang ba thị trường này trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 83% so với mức 1,44 triệu tấn cùng kì năm 2018 xuống 239.000 tấn. 

Tại Thái Lan, tổng xuất khẩu sang ba thị trường trong 5 tháng đầu năm trên cũng giảm 71,6% so với cùng kì năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kì. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kì năm 2018, trị giá xuất khẩu giảm 20,4% xuống khoảng 1,18 tỉ USD. 

Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm cũng giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kì năm ngoái xuống còn khoảng 427,5 USD/tấn.

Ngoài ra, các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. 

Trong dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo năm 2018 - 2019 ước đạt 499,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 494,9 triệu tấn của năm 2017 - 2018.

Những động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.

Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn gồm Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Lyly Cao