Trung Quốc hướng tới siết chặt nguồn cung đá hiếm lần đầu tiên trong 5 năm
Tại một cuộc họp của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hôm 4/6, các chuyên gia về đất hiếm đã khuyến nghị kiểm soát nhiều hơn đối với xuất khẩu kim loại đất hiếm, theo Tân Hoa xã.
Các khuyến nghị kêu gọi một hệ thống tập trung để quản lí khai thác và xử lí kim loại đát hiếm, và ủy ban cho biết họ sẽ sớm đưa ra một chính sách phản ánh đề xuất này.
Trung Quốc sản xuất 70% đất hiếm của thế giới, là thành phần quan trọng trong một loạt sản phẩm gồm xe điện, điện thoại thông minh và thậm chí cả thiết bị quân sự. Mỹ phụ thuộc vào quốc gia châu Á cho 80% nhập khẩu kim loại đất hiếm và hợp chất.
Trước nguy cơ Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khoáng sản này, Bộ Thương mại Mỹ hứa triển khai hành động chưa từng có để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn khoáng sản quan trọng nước ngoài và khuyến nghị các bước hành động khẩn cấp, gồm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các động thái của cả hai bên phản ánh tầm quan trọng sống còn của đất hiếm đối với lĩnh vực công nghệ hiện nay và trong tương lai. Trung Quốc biết họ nắm giữ lợi thế chiến lược với tư cách là nhà cung cấp vượt trội, trong khi Mỹ hiểu rằng lợi thế công nghệ của họ xoay quanh việc tiếp tục tiếp cận các khoáng sản, theo Nikkei Asia Review.
Tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một nhà sản xuất nam châm ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây - trung tâm sản xuất đất hiếm của Trung Quốc - nơi ông gọi kim loại là tài nguyên chiến lược quan trọng.
Phản tác dụng
Trung Quốc đã sử dụng đất hiếm làm công cụ ngoại giao vào năm 2010, khi quốc gia này không chính thức tạm dừng xuất khẩu một số yếu tố nhất định sang Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Nhật Bản là nhà nhập khẩu đất hiếm lớn nhất của Trung Quốc vào thời điểm đó. Bắc Kinh hi vọng có thể buộc Nhật Bản phải nhượng bộ vì điều đó.
Tuy nhiên, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu đã đệ trình một đơn kiện chống lại hạn ngạch của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nói rằng hạn ngạch được thiết kế để mang lại lợi ích không công bằng cho ngành công nghiệp Trung Quốc.
Bắc Kinh đã thua vụ kiện đó vào năm 2014 và bãi bỏ hạn ngạch vào năm sau, điều này khiến một số người ở Trung Quốc lo ngại về việc đưa ra hạn chế xuất khẩu đối với Mỹ trong thời gian này.
Các chuyên gia tin hệ thống quản lí xuất khẩu được đề xuất có thể dẫn đến những hạn chế tương tự.
Hạn chế xuất khẩu có thể làm suy yếu tuyên bố của Trung Quốc rằng thuế quan của Mỹ đối với nước này vi phạm các qui tắc của WTO và cô lập Bắc Kinh trên sân chơi toàn cầu.
Trung Quốc xác định đất hiếm là một công cụ chính sách quan trọng từ những năm 1980. Mặc dù vậy, sử dụng chúng để mang lại lợi ích cho Bắc Kinh đi kèm với những rủi ro nhất định.
Ví dụ, trong khi lệnh cấm xuất khẩu năm 2010 là một đòn giáng đáng kể đối với các công ty Nhật Bản, danh tiếng của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng. Động thái này đã khiến các doanh nghiệp xây các lựa chọn thay thế cho đất hiếm trong trường hợp xảy ra sự cố tương tự.