CNBC: Đe dọa ngừng cung cấp đất hiếm của Trung Quốc khó thay đổi 'cục diện' chiến tranh thương mại
Tân Hoa Xã cảnh báo Bắc Kinh có thể sớm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Ảnh: AFP
Đất hiếm không thể là vũ khí của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại
Mặc dù Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới khi khoáng chất xuất hiện trong một loạt thiết bị điện tử tiêu dùng hàng ngày, khả năng sử dụng đất hiếm như một vũ khí của Bắc Kinh là khá hạn chế, CNBC dẫn lời nhiều nhà phân tích.
Chưa ai biết Trung Quốc sẽ đưa ra lệnh cấm với đất hiếm như thế nào, song một số chuyên gia tại Phố Wall không cho rằng đất hiếm có thể thay đổi cục diện cho Bắc Kinh.
"Chúng tôi cho rằng tác động [của đất hiếm] đối với Mỹ sẽ ở mức độ nhẹ và đó chính là lí do khiến chúng tôi nghi ngờ việc Bắc Kinh sẽ kích hoạt mối đe dọa đặc biệt này", hai nhà phân tích Ed Mills và Pavel Molchanov của Raymond James nhận định.
Tân Hoa Xã vào tuần trước đã cảnh báo, Bắc Kinh có thể sớm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Động thái ấy ra ngay trước thời điểm thuế quan mới áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào cuối tuần qua.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản thực chất không phải hiếm, nhưng các nhà sản xuất khai thác chúng với số lượng khá khiêm tốn so với các kim loại khác như đồng. Đất hiếm đã trở nên quan trọng trong những năm gần đây bởi chúng ngày càng được sử dụng nhiều trong thiết bị công nghệ cao, sản xuất thiết bị quốc phòng và xe điện.
Trung Quốc đã khai thác 70% đất hiếm trong năm 2018, khiến một số nhà phân tích hồi tuần trước đưa ra câu hỏi về tác động đối với các ngành công nghiệp Mỹ vốn phụ thuộc vào đất hiếm.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu toàn cầu cho các loại đất hiếm phục vụ quá trình sản xuất, theo Raymond James. Điều đó có nghĩa là Mỹ chỉ chi một khoản khiên tốn 160 triệu USD để nhập khẩu đất hiếm năm 2018.
"Lí do khá đơn giản: Mỹ chỉ sản xuất một lượng hạn chế các sản phẩm công nghệ cao có liên quan với đất hiếm. Mỹ không sản xuất hàng điện tử tiêu dùng (máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, TV màn hình phẳng) và nhiều sản phẩm công nghiệp khác (pin xe điện, tua bin gió, sợi quang học) ở qui mô tương tự Trung Quốc hay các nước châu Á khác", hai nhà phân tích Mills và Molchanov nói.
Viện Đầu tư Well Fargo nhận định lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ bị ràng buộc, làm tăng chi phí sản xuất và thậm chí gây ra sự chậm trễ về sản phẩm. Tuy nhiên, công ty này cũng nói rằng lệnh cấm không nhất thiết sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một ác chủ bài bởi Trung Quốc không thể làm gì hơn ngoài việc hạn chế nguồn cung đến Mỹ.
"Chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn nhận rõ Trung Quốc có thể áp dụng các hạn chế về đất hiếm đối với hàng tiêu dùng, vốn do đất nước tỉ dân sản xuất và ngày càng được tiêu thụ trên toàn cầu, như thế nào", ông John LoForge, người đứng đầu bộ phận chiến lược bất động sản tại Viện Đầu tư Wells Fargo, cho hay.
Trung Quốc có thể gây khó cho doanh nghiệp Mỹ nếu cố gắng hơn
Tác động có thể lớn hơn nếu Bắc Kinh cố gắng ngăn cản doanh nghiệp không thuộc Mỹ hợp tác với nhà sản xuất Mỹ cần đất hiếm, thay vì chỉ giới hạn nguồn cung từ Trung Quốc cho các nhà máy của Mỹ.
Tuy nhiên, nỗ lực hạn chế nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc trong quá khứ không quá thành công, Raymond James nhấn mạnh.
Khi Bắc Kinh cắt giảm các lô hàng năm 2010, giá đất hiếm tăng vọt, tạo động lực cho các quốc gia khác tăng sản lượng. Biện pháp của Trung Quốc cũng phá vỡ nhu cầu đất hiếm tại Mỹ khi nhà sản xuất tìm cách sử dụng ít đất hiếm trong sản phẩm hơn.
Theo quan chức của Hiệp hội Đất hiếm Trung Quốc từng trao đổi với Bank of America Merrill Lynch, một lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ là không thực tế vì các doanh nghiệp Mỹ có thể đảm bảo nguồn cung từ Malaysia và Nhật Bản, dù với chi phí cao hơn nhiều.
Quan chức này lưu ý rằng 80% nhu cầu đất hiếm đã qua chế biến của Mỹ là lanthanum và cerium và cả hai đều thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Một số ngành công nghiệp sẽ cảm nhận rõ hơn tác động của lệnh cấm. Raymond James lưu ý về các nhà máy lọc dầu Mỹ sử dụng đất hiếm trong các nhà máy của họ và Bank of America Merrill Lynch cho biết họ dự đoán ngành ô tô sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.