|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đưa ra các đề xuất chưa từng có về chuyển giao công nghệ

22:30 | 28/03/2019
Chia sẻ
Mặc dù vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong tất cả lĩnh vực đang được thảo luận trong khuôn khổ đàm phán thương mại giữa hai nước, trong đó Trung Quốc đã đưa ra động thái chưa từng có liên quan đến một vấn đề nhạy cảm là cưỡng ép chuyển giao công nghệ, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ.
Trung Quốc đưa ra các đề xuất chưa từng có về chuyển giao công nghệ - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 7/4/2017.

Tín hiệu vui từ vòng đàm phán mới

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đến Bắc Kinh vào hôm nay (ngày 28/3) để bắt đầu một vòng đàm phán mới với các các quan chức Trung Quốc nhằm đưa ra một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài nhiều tháng.

Các cuộc hội đàm lần này là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên mà hai bên tổ chức sau khi bỏ lỡ mục tiêu ban đầu hồi cuối tháng 3. Mục tiêu này là nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình để hai bên kí kết một thỏa thuận. 

Một vòng đàm phán mới sẽ tiếp tục được tổ chức tại Washington vào tuần sau.

Reuters đã trò chuyện cùng 4 quan chức chính quyền cao cấp để đưa tin này.

Một quan chức cho biết Trung Quốc đã tiến xa hơn với các đề xuất từ phía nước này, tạo ra hi vọng cho một thỏa thuận mà Mỹ khẳng định phải bao gồm một số thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.

"Hai bên đang nói về vấn đề chuyển giao công nghệ cưỡng bức theo cách mà họ chưa bao giờ muốn trước đây, cả về phạm vi và chi tiết cụ thể", vị quan chức trên cho hay.

Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt hành vi mà họ cho rằng có liên quan đến việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ cũng như chuyển giao công nghệ Mỹ một cách cưỡng bức đến các công ty Trung Quốc. Mỹ muốn cải thiện khả năng tiếp cận của các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc và giảm trợ cấp công nghiệp Trung  Quốc dành cho các doanh nghiệp nước này.

Reuters trước đó đã đưa tin rằng hai nước đang làm việc trên các thỏa thuận bằng văn bản trong 6 lĩnh vực: chuyển giao công nghệ cưỡng bức, đánh cắp công nghệ cao, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và hàng rào phi thuế quan đối với thương mại.

"Nếu bạn nhìn vào các văn bản một tháng trước so với hiện nay, chúng tôi đã đạt được bước tiến trong tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đến được nơi cả hai nước muốn", vị quan chức trên cho hay.

Các cuộc thảo luận sẽ có thể sẽ kéo dài miễn là vẫn có tiến triển tốt đối với các vấn đề cốt lõi được đem ra đàm phán giữa hai nước.

"Cuộc đàm phán có thể kéo dài đến tháng 5 hoặc 6, không ai biết trước được. Có thể thỏa thuận cuối cùng sẽ đến trong tháng 4, chúng tôi cũng không biết nữa", một quan chức chính quyền khác cho hay.

Quan chức trên cho biết sở hữu trí tuệ và việc thực thi thỏa thuận cuối cùng vẫn là điểm vướng mắc chính.

Một số loại thuế quan vẫn sẽ được áp dụng

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trả đũa thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau. Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận. Trong khi đó, Mỹ - vốn nhận thức được rằng thuế quan mang lại cho nước này đòn bẩy để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ theo bất kì cam kết nào mà họ đưa ra - lại cảnh giác với việc dỡ bỏ chúng ngay lập tức.

Ông Trump cho biết vào tuần trước rằng Mỹ có thể gỡ bỏ thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trong một "khoảng thời gian đáng kể" để tuân thủ theo điều khoản thỏa thuận.

"Một số loại thuế sẽ tiếp tục được áp dụng. Sẽ có một số thuế quan được dỡ bỏ, nhưng chúng tôi sẽ không loại bỏ tất cả thuế quan", một quan chức nói. Vấn đề này sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán sắp tới.

"Rõ ràng đó là một vấn đề mà chúng tôi cần phải giải quyết và là một phần quan trọng của thỏa thuận cuối cùng."

 Kể từ tháng 7/2018, Mỹ đã áp thuế quan lên 250 tỉ hàng hóa của Trung Quốc, gồm mức thuế 25% cho 50 tỉ USD hàng hóa công nghệ và công nghiệp và mức thuế 10% cho 200 tỉ USD vật liệu xây dựng và nội thất.

Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế quan lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu nành và các mặt hàng khác.

Trần Nam Thi