|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Trung Quốc cần hơn 10 năm để bắt kịp doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thế giới'

16:07 | 29/05/2019
Chia sẻ
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cần hơn một thập kỉ để bắt kịp các công ty cùng ngành trên toàn cầu do nền tảng công nghiệp yếu hơn và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng áp lực, một chuyên gia ngành bán dẫn người Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc cần hơn 10 năm để bắt kịp doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Việc Bắc Kinh kêu gọi tăng cường tự cung trong công nghệ chiến lược, bao gồm cả sản xuất chip, xảy ra khi Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tìm hiểu bí quyết khoa học của nước này trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng. (Ảnh: Handout)

"Đây là một ngành công nghiệp thách thức và cạnh tranh, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm công nghệ lâu dài", ông Jay Huang Jie, đối tác sáng lập của Jadestone Capital kiêm cựu Giám đốc Điều hành của Intel tại Trung Quốc, phát biểu tại một sự kiện vào hôm 27/5 do viện chính sách Our Hong Kong Foundation tổ chức.

"Trung Quốc nên chuẩn bị cho cuộc đường dài ít nhất một thập kỉ với nhiều tổn thất trên hành trình", ông Huang, người rời Intel năm 2015 để thành lập công ty đầu tư tập trung vào ngành bán dẫn của riêng ông, nói.

Một cuộc dịch chuyển hoạt động sản xuất hàng hóa cao cấp ra khỏi Trung Quốc, được kích hoạt bởi chiến tranh thương mại, có thể gây thêm áp lực cho Trung Quốc khi nước này cố gắng bắt kịp đối thủ.

"Sẽ rất đáng lo ngại nếu chuỗi cung ứng hàng cao cấp rời khỏi Trung Quốc sau khi thuế quan tăng lên. Điều này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều, tuy nhiên vẫn có khả năng", ông Huang nói.

Mặc dù Trung Quốc đang ngang hàng với các công ty cùng ngành trên toàn cầu về thiết kế chip, hoạt động đúc mạch tích hợp lại kém xa 10 năm. Khi nói đến các thiết bị được sử dụng trong xưởng đúc, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn bởi các công ty nước ngoài, trong đó có Applied Materials từ Mỹ và ASML từ Hà Lan, đang kiểm soát nguồn cung.

Việc Bắc Kinh kêu gọi tăng cường tự cung tự cấp trong công nghệ chiến lược, bao gồm cả sản xuất chip, xảy ra khi Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tìm hiểu bí quyết khoa học của nước này trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng.

Các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào trong tháng này, từ đó dấy lên loạt hành động có chủ đích của chính quyền Tổng thống Trump chống lại Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm Huawei mua sản phẩm và công nghệ Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tự lực và đổi mới để chống lại những thách thức dài hạn từ Mỹ. "Chỉ khi chúng ta sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, chúng ta mới có thể tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh và sẽ không bị đánh bại trong cuộc ganh đua ngày càng căng thẳng", ông Tập nói vào tuần trước.

Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới, trong tháng này đã bị thêm vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, sau khi chính quyền Trump cáo buộc công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau đó, Huawei đã bị cấm mua sản phẩm công nghệ nghệ Mỹ, trong đó có chip và phần mềm.

Trong vài năm qua, công ty sản xuất chip của Huawei - HiSilicon, đã phát triển chipset của riêng họ như một kế hoạch dự phòng để sử dụng cho điện thoại thông minh và các sản phẩm mạng của gã khổng lồ công nghệ. Chipset trên được xem là lựa chọn thay thế cho chip của Intel và Qualcomm, theo Huawei.

Ông Huang nhận định, thiết kế chip của SiSilicon cho baseband của điện thoại thông minh ngang tầm với Qualcomm. Về mặt nghiên cứu và sản xuất trong nước, Huawei đang làm tốt hơn đối thủ ZTE - vốn bị đẩy đến bờ vực sụp đổ sau lệnh cấm tương tự bởi Mỹ vào năm ngoái.

Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng sẽ tiến hành như thế nào phụ thuộc vào sự sẵn có của các lựa chọn thay thế do Trung Quốc sản xuất, cần thiết cho qui trình sản xuất chip, ông Huang nói.

"Trong thời gian ngắn, tỉ lệ nội địa hóa của chip bằng 99% hay 10% cũng không có gì khác biệt. Chỉ cần thiếu nguồn cung nội địa cho một linh kiện, bạn không thể sản xuất được con chip".

Trần Nam Thi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.