|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc 'bí' cách đáp trả Tổng thống Trump về vấn đề Hong Kong

14:37 | 30/11/2019
Chia sẻ
Bloomberg nhận định Trung Quốc đang hình thành thói quen đưa ra lời đe dọa trả đũa khá mơ hồ. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa thực sự hành động nhiều như họ đã đe dọa chính quyền Tổng thống Trump.
51342446_303

Người biểu tình Hong Kong đề nghị Tổng thống Trump kí ban hành hai đao luật hồi tuần trước. (Ảnh: AFP)

Hôm 28/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một lời cảnh báo khác sau khi Tổng thống Trump kí ban hành hai đạo luật có nội dung ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong, sử dụng ngôn ngữ có phần tương tự tuyên bố hồi tuần trước.

Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đe dọa tương tự sau khi Mỹ trừng phạt nhiều công ty lớn của Trung Quốc và đưa Huawei Technologies vào danh sách đen.

"Chúng tôi đề nghị Mỹ không nên hành động một cách tùy tiện hoặc Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 28/11. "Phía Mỹ sẽ phải chịu hậu quả".

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đều né tránh các câu hỏi khi nào Trung Quốc sẽ đáp trả hoặc liệu hai đạo luật của Mỹ về vấn đề Hong Kong có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hay không. Thay vào đó, ông chỉ phát biểu: "Hãy đợi xem!"

"Chuyện gì đến sẽ đến", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Thất bại trong việc tiết lộ chi tiết biện pháp trả đũa dù có nhiều tuần để chuẩn bị cho thấy những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải khi phản đòn Mỹ mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính họ, khi mà tốc độ tăng trưởng GDP đã chững về mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ.

Ngoài việc đánh thuế quan trả đũa Mỹ, Trung Quốc chủ yếu đang bị kẹt trong chính sách "bình tĩnh đáp trả" khi đề cập đến các khía cạnh khác của mối quan hệ song phương Mỹ - Trung.

Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội đem vấn đề Hong Kong vào đàm phán

Nhà nghiên cứu Mei Xinyu đến từ một viện chính sách thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vấn đề Hong Kong chắc chắn sẽ được đem ra thảo luận tại bàn đàm phán thương mại và Trung Quốc có thể yêu cầu Mỹ làm rõ lập trường, hoặc thậm chí buộc Washington phải hứa hẹn hạn chế áp dụng hai đạo luật.

Lặp lại bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước, ông Mei còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ cùng lúc chuẩn bị một số biện pháp trả đũa mà không nêu rõ hình thức cụ thể của các biện pháp này.

"Vấn đề Hong Kong sẽ gây ra tình trạng bất ổn nhất định đối với quá trình đàm phán", ông Mei nhận định. "Tuy nhiên, nó không nhất thiết sẽ phá hỏng hay giúp tăng tốc thỏa thuận".

Mặc dù trì hoãn quá trình đàm phán thương mại là cách rõ ràng nhất mà Trung Quốc có thể trả đũa, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh đã dẹp bỏ rất nhiều hiềm khích để duy trì cuộc đàm phán. 

Nếu không có thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khả năng bị áp thuế bổ sung vào giữa tháng 12.

Theo Bloomberg, Bắc Kinh vẫn còn một số lựa chọn khác, mặc dù phần lớn trong số này đều có nguy cơ gây ra hậu quả về kinh tế, đó là điều Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn.

Quân bài mới: Danh sách thực thể không đáng tin cậy

Bắc Kinh có thể trả đũa doanh nghiệp Mỹ bằng cách phát hành danh sách thực thể không đáng tin cậy mà họ đã đe dọa tung ra từ lâu, ngừng mua hàng hóa Mỹ, giải phóng trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Về mặt trận ngoại giao, Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt như tạm dừng hợp tác thực thi biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên và Iran, triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ về nước hoặc làm suy yếu mối quan hệ ngoại giao song phương.

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cho biết trong một dòng tweet hôm 28/11 rằng Trung Quốc đang cân nhắc soạn thảo luật cấm nhập cảnh.

"Hong Kong ngày càng trở thành một quân bài quan trọng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", ông E Zhihuan, nhà kinh tế trưởng tại Bank of China (Hong Kong) nhận định.

"Bây giờ ông Trump đã lật quân bài của mình, cách chúng ta phản ứng sẽ kiểm chứng sự khôn ngoan của bản thân. Đây là một tình huống rất phức tạp và khó khăn", nhà kinh tế này cho hay.

Bản thân Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn ngoài việc kí hai đạo luật. Tỉ lệ bỏ phiếu gần như tuyệt đối của Quốc hội Mỹ cho thấy các nhà lập pháp có thể xóa bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ và ông Trump cũng không muốn cho Đảng Dân chủ cơ hội tấn công mình trước cuộc bầu cử năm 2020.

Mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra riêng biệt, mối quan hệ chung giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng, theo ông He Weiwen, người từng là tùy viên thương mại tại các lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco.

"Mỹ đã gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc và Bắc Kinh đương nhiên sẽ trả đũa", ông He nói. "Đối với Trung Quốc, chủ quyền quan trọng hơn thương mại".

Tuy nhiên, khi được hỏi Trung Quốc có khả năng sẽ phản đòn như thế nào, ông He không nêu rõ nhận định của mình: "Tôi không biết đường đi nước bước của Bắc Kinh như thế nào. Tuy nhiên, có thể sẽ có một số hậu quả nghiêm trọng".

Yên Khê

Chính phủ giao NHNN hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB trong tháng 12
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết số 218 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 12.