|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong có thể mất những gì vì đạo luật Tổng thống Trump mới ban hành?

06:18 | 30/11/2019
Chia sẻ
Đặc khu hành chính Hong Kong, nước Mỹ và Trung Quốc đại lục đều có nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế do tác động của hai đạo luật liên quan đến Hong Kong mà Tổng thống Trump mới kí ban hành tối hôm 27/11.
Hong-Kong-rally-thanks-Trump-600x400

Người dân Hong Kong biểu tình cảm ơn Tổng thống Trump kí ban hành hai đạo luật. (Ảnh: AFP)

Tối hôm 27/11, Tổng thống Donald Trump đã kí ban hành hai đạo luật có nội dung ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong.

Theo CNBC, hai đạo luật này được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong, tuy nhiên một trong hai đạo luật chứa các điều khoản có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và cả chính Hong Kong.

Đạo luật đầu tiên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện đánh giá thường niên về quyền tự trị của Hong Kong, đạo luật thứ hai cấm buôn bán các vũ khí giải tán đám đông như hơi cay và đạn cao su cho cảnh sát Hong Kong.

Với tên gọi Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019, chính sách đầu tiên có thể dẫn đến việc xóa bỏ qui chế thương mại đặc biệt của Hong Kong ở thời điểm hiện tại cũng như có khả năng làm tổn hại đến triển vọng kinh tế và kinh doanh của đặc khu hành chính này.

Đạo luật Dân chủ và Nhân Quyền Hong Kong năm 2019 có một số qui định như:

- Yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm tra hàng năm xem Hong Kong "có đủ quyền tự trị" để hưởng các chính sách thương mại đặc biệt của Mỹ hay không.

- Yêu cầu Tổng thống Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hững cá nhân bị phát hiện vi phạm nhân quyền ở Hong Kong bằng cách đóng băng tài sản của họ và từ chối nhập cảnh vào Mỹ.

- Mỹ không từ chối thị thực (visa) đối với một số cá nhân từng bị bắt hoặc giam giữ vì tham gia biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Đạo luật này được Quốc hội Mỹ xem là một cách để ngăn chặn ảnh hưởng và can thiệp của Bắc Kinh vào các vấn đề tại Hong Kong. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết bản chất của đạo luật đầu tiên chủ yếu mang tính "biểu tượng".

"Tôi nghĩ đây là bước đi có ý nghĩa nhưng mang tính biểu tượng hơn. Nó đóng vai trò quan trọng đối với phong trào biểu tình ở Hong Kong. Nhiều người đã xuống đường kêu gọi Mỹ ủng hộ họ...", ông Ben Bland, Giám đốc Dự án Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Lowy (Australia), nhận định vào tuần trước trước khi Quốc hội Mỹ thông qua hai dự luật.

Hong Kong có thể đánh mất lợi thế đặc biệt

Là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, Hong Kong vận hành theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Theo cơ cấu này, Hong Kong được trao quyền tự quản, có khuôn khổ pháp lí và kinh tế khá tách biệt với Trung Quốc, cùng các quyền tự do khác như quyền bầu cử hạn chế.

Hệ thống này củng cố vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính và kinh doanh toàn cầu, đặc biệt là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới.

Quyền tự trị của Hong Kong còn là một lí do chỉ ra tại sao Mỹ đối xử với Hong Kong không giống các thành phố khác của Trung Quốc. Chẳng hạn, thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc không áp dụng cho Hong Kong.

Đánh mất lợi thế đặc biệt đó có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Hong Kong, và hậu quả của nó có thể lan ra hệ thống tài chính toàn cầu.

Cần nói rõ rằng Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019 tự nó không chỉ thị xóa bỏ qui chế đặc biệt của đặc khu hành chính Hong Kong nếu Mỹ phát hiện Hong Kong không có đủ quyền tự trị.

Việc thu hồi qui chế phải đến từ Tổng thống Trump thông qua một sắc lệnh hành pháp, hoặc từ Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, đây cũng chính là văn bản xác lập qui chế đặc biệt mà Washington dành cho đặc khu hành chính này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Washington dường như sẽ không đi xa đến mức thu hồi qui chế đặc biệt của Hong Kong do Washington còn có nhiều lợi ích tại thành phố này.

Lợi ích của Mỹ tại Hong Kong

Một lí do khiến Washington sẽ không hủy bỏ qui chế đặc biệt của Hong Kong xuất phát từ mối quan hệ thương mại và tài chính bền chặt giữa hai bên, CNBC dẫn nhận định của các nhà quan sát.

Trên trang web, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động tại Hong Kong, trong đó có 300 doanh nghiệp đặt trụ sở phục vụ cho hoạt động tại khu vực châu Á tại đây. Gần như toàn bộ công ty tài chính lớn của Mỹ đều có sự hiện diện nhất định ở Hong Kong.

Về thương mại, Hong Kong đã là một điểm đến quan trọng cho các dịch vụ pháp lí và kế toán của Mỹ. Năm ngoái, thặng dư thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ trên toàn thế giới (khoảng 31,1 tỉ USD) là với Hong Kong, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Nhiều mối quan hệ hợp tác nói trên được xây dựng dựa trên vị trí đáng tin cậy của Hong Kong - một cửa ngõ tương đối an toàn để tiếp cận Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhiều cơ hội kinh doanh chưa được khai phá.

Reuters dẫn lời Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong trước đây cho biết bất cứ điều gì làm thay đổi qui chế đặc biệt của thành phố này đều gây ra hiệu ứng xấu đối với hoạt động thương mại và đầu tư của Mỹ vào Hong Kong.

Tầm quan trọng của Hong Kong đối với Trung Quốc

Đóng góp tăng trưởng kinh tế của Hong Kong vào Trung Quốc đã giảm dần trong những năm qua, nhưng đặc khu hành chính này vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng cho các doanh nghiệp đại lục.

Nhờ sự cởi mở đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều năm qua Hong Kong là nơi các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục huy động vốn thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong và phát hành trái phiếu.

Trong vài năm gần đây, Hong Kong trở thành cửa ngõ cho các nhà đầu tư nước ngoài đến mua tài sản tài chính của Trung Quốc thông qua các chương trình liên kết trái phiếu và cổ phiếu.

Hong Kong còn là một trong số ít địa điểm mà đồng nhân dân tệ có thể được giao dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục, tạo điều kiện để quốc tế hóa đồng tiền tệ này.

"Với vai trò cánh tay tài chính nối dài của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, Hong Kong đã giúp Trung Quốc đại lục duy trì một hệ thống tài chính cách biệt nhưng không chịu hậu quả tiêu cực của sự cô lập như trước, tức là hạn chế tiếp cận với ngành tài chính hoặc các loại tài sản khác trên thế giới", ngân hàng đầu tư Natixis viết trong báo cáo hồi tháng 8.

Ngoài ra, Hong Kong còn là "bàn đạp quan trọng nhất" của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, báo cáo của Natixis nhận định.

Phần lớn các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đều phải đi qua Hong Kong "do sự tin tưởng mà các công ty Trung Quốc và nước ngoài dành cho khung thể chế của Hong Kong".

Nói chung, "tầm quan trọng của Hong Kong đối với nền kinh tế Trung Quốc vượt xa qui mô của thành phố này", ông Tianlei Huang, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, khẳng định.

"Bắc Kinh phải biết rằng việc bảo tồn nền kinh tế độc đáo của Hong Kong không chỉ đến từ việc cho phép doanh nghiệp hoạt động dự do. Nó còn đòi hỏi một cam kết mạnh mẽ và kiên định đối với quyền tự trị của Hong Kong, vốn là chìa khóa cho thành công về mặt kinh tế của đặc khu hành chính này", ông Huang nói thêm.

Yên Khê