|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2022 có tới 5 ngân hàng

15:35 | 21/09/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo do Vietnam Report công bố, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vượt công ty có vốn FDI là Samsung để lên dẫn đầu nhóm doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất, đáng chú ý năm nay có tới 5 ngân hàng góp mặt trong danh sách, tăng ba nhà băng so với báo cáo của năm ngoái.

Mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vươn từ vị trí thứ ba theo báo cáo của năm ngoái để lên dẫn đầu nhóm có lợi nhuận tốt nhất trong năm nay.

Xếp theo sau lần lượt là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) và Ngân hàng Vietcombank. Vị trí thứ 2 của năm ngoái có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nay đã rơi về vị trí thứ 7. Còn năm nay, Tập đoàn Vingroup của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng không xuất hiện trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất.

 Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2022, thực hiện bởi Vietnam Report.

Nếu xét về nhóm tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022, thì Tập đoàn Hòa Phát đã vươn từ vị trí thứ 4 của năm ngoái để thành người dẫn đầu năm nay (vị trí top 1 năm ngoái thuộc về Tập đoàn Vingroup).

Đáng tiếc, top 10 trong bảng xếp hạng PROFIT500 năm nay không có sự xuất hiện của Tập đoàn Thành Công, CTCP Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vingroup. Thay vào đó, nhóm ngân hàng Tecombank, ACB, HDBank, VIB và Masan Consumer là những cái tên mới hiện diện trong năm nay.

 Nguồn: Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2022, thực hiện bởi Vietnam Report. 

Theo báo của Vietnam Report, trong những năm qua, ngành Bất động sản – xây dựng luôn giữ thứ hạng cao nhất trong top các ngành chiếm tỷ trọng lớn về số lượng doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng PROFIT500 với tỷ trọng là 22,2%.

Theo sau là hai nhóm ngành quen thuộc: Ngành Tài chính và ngành Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá với tỷ trọng lần lượt là 13,7% và 10,7%. Đặc biệt với tỷ trọng 13,7% ở nhóm ngành Tài chính, đây được coi là mức tỷ trọng cao nhất trong 6 năm trở lại đây mà nhóm ngành này đạt được.

Giai đoạn 2019 - 2022, các chuyên gia tính toán ở những giai đoạn trước các doanh nghiệp có mức độ hiệu quả khai thác tài sản tốt hơn so với hiện nay. Doanh nghiệp tại khu vực FDI luôn đạt giá trị ROA bình quân cao nhất trong giai đoạn này, tuy nhiên đây cũng là khu vực có sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm từ mức 17% vào năm 2019 xuống mức 11% vào năm 2022.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, khu vực cũng không tránh khỏi xu hướng giảm, tuy vậy so với mức ROA bình quân năm 2021 khu vực này không có sự thay đổi khi vẫn giữ được nhịp ở mức 9,4%. Trong khi đó khu vực nhà nước vẫn là nơi có ROA thấp nhất ở mức 7,8% năm 2022 và có xu hướng giảm dần qua các năm. 

Xét theo khu vực kinh tế, với chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân giai đoạn 2019-2022, các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 27,7%. Đây cũng là mức cao nhất mà khu vực FDI đạt được trong giai đoạn 2019-2022.

Kế tiếp là khu vực tư nhân với mức ROE bình quân đạt 21,9%. Mặc dù có cải thiện đôi chút so với hai năm trước đó, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực tư nhân hiện vẫn chưa quay trở về mức đỉnh 24,2% trước đại dịch.

Trong khi cả hai khu vực trên có sự gia tăng về chỉ số ROE bình quân thì khu vực nhà nước lại có mức sụt giảm đáng kể từ mức 23,6% xuống còn 16,5% ở năm 2022 - mức thấp nhất trong 4 năm vừa qua. Như vậy, cả hiệu quả sử dụng vốn lẫn tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước thấp nhất trong ba khu vực. 

Minh Hằng