|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ai xếp đầu bảng trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam?

14:52 | 14/09/2022
Chia sẻ
Báo cáo VPE500 do Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam thực hiện đã xác định danh sách các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dựa trên ba tiêu chí quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Kết quả cho thấy Thế Giới Di Động là đang là doanh nghiệp đứng đầu bảng.

Theo báo cáo VPE500, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) vừa công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Theo Trưởng đại diện KAS, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và chiếm khoảng gần 97% doanh nghiệp đang hoạt động và trở thành động lực của nền kinh tế. 

"Họ sử dụng hơn 60% tổng số lao động và tạo ra xấp xỉ 57% doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam", đại diện KAS thông tin.

Báo cáo VPE500 đã xác định danh sách các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dựa trên ba tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên. Cách xếp hạng này cũng khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam như VNR500 hay Fortune500.

Mặc dù xuất hiên tại 57/63 tỉnh, thành phố, nhưng VPE500 tập trung ở 2 trung tâm kinh tế lớn là TP HCM và Hà Nội với khoảng 50% tổng số, ngoài ra một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên và Ninh Bình.

Theo báo cáo công bố, nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở hầu hết các ngành kinh tế (18/21 ngành cấp 1)1. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại (bán buôn và bán lẻ) và xây dựng.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội, nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho khoảng 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

"Có thể nói, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp", Báo cáo VPE500 thông tin. 

Trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần. Tỷ lệ doanh nghiệp có xuất khẩu lên tới 58% so với 7,73% của các doanh nghiệp tư nhân còn lại.

Nguồn: Báo cáo VPE500.

Theo danh sách 500 doanh nghiệp được báo cáo công bố, doanh nghiệp xếp đầu bảng là CTCP Thế giới Di động (Mã: MWG) với điểm số trung bình là 3 điểm, trong đó, chỉ tiêu doanh thu đứng đầu cả nước.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn theo sau là Vincommerce, Ô tô Trường Hải, Vinamilk, Vinpearl, Bách Hóa Xanh,... Top 10 doanh nghiệp được xếp hạng, hầu hết đều là các công ty hoặc có công ty mẹ đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt trong top 10, có sự xuất hiện một doanh nghiệp FDI là Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntoru Pepsico Việt Nam.

Nguồn: Báo cáo VPE500.  

Báo cáo VPE500 cũng chỉ ra rằng, biến động của VPE500 giữa các năm là khá lớn. Chỉ khoảng hơn 50% VPE500 tồn tại liên tục trong vòng 5 năm liền, tỷ lệ bị mất đi giữa các năm khoảng 20% là khá cao so với một số nước, cho thấy sự biến động nhanh của thị trường ở Việt Nam cũng như tính thiếu bền vững của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

Minh Hằng