Ba doanh nghiệp Việt lọt top 200 công ty niêm yết có doanh thu dưới 1 tỷ USD hàng đầu châu Á năm 2022
Mới đây, tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách “Forbes Asia’s Best Under A Billion 2022”, đề cập về danh sách 200 doanh nghiệp niêm yết có doanh số dưới 1 tỷ USD hàng đầu châu Á.
Theo Forbes, khi tác động của đại dịch COVID-19 giảm dần trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mọi người bắt đầu thích nghi với cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”, danh sách năm nay đã nêu bật sự thay đổi về các khoản chi tiêu của doanh nghiệp.
Trong khi các công ty liên quan đến ngành chăm sóc sức khỏe và dược phẩm tỏ ra đặc biệt nổi bật vào năm 2022, việc quay trở lại với cuộc sống trong trạng thái bình thường mới đã mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất quần áo, các đơn vị điều hành trung tâm thương mại, nhà hàng, điện tử tiêu dùng và các công ty giải trí cùng một số công ty khác.
Danh sách năm nay bao gồm 75 công ty quay trở lại sau một năm vắng bóng, phản ánh khả năng phục hồi của các doanh nghiệp này trong một môi trường thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như Taiwan’s Aspeed, công ty đã có mặt trong danh sách của Forbes năm thứ 9 liên tiếp.
Ba doanh nghiệp Việt Nam có tên
Đáng chú ý, trong danh sách năm 2022 của Forbes cũng có ba doanh nghiệp đến từ Việt Nam, bao gồm CTCP Đông Hải Bến Tre (mã: DHC), CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã: HAH) và CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG).
Theo dữ liệu từ Forbes, doanh thu của ba doanh nghiệp này lần lượt là 182 triệu USD, 85 triệu USD và 227 triệu USD. Cùng với đó, thu nhập ròng của ba công ty lần lượt đạt 21 triệu USD, 18 triệu USD và 44 triệu USD.
Cũng theo Forbes, trong số ba doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách năm nay, CTCP Đầu tư Nam Long là đơn vị đang có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, đạt 680 triệu USD. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của CTCP Đông Hải Bến Tre và CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An lần lượt là 209 triệu USD và 265 triệu USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong danh sách năm nay của Forbes mới đây đều đã công bố báo cáo tài chính quý II.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Nam Long đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.240 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế đạt hơn 192 tỷ đồng, cũng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như lãi sau thuế của Nam Long đạt hơn 1.828 tỷ đồng và hơn 224 tỷ đồng, lần lượt tăng 187% và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Với CTCP Đông Hải Bến Tre, doanh thu thuần và lãi sau thuế của doanh nghiệp trong quý II đạt hơn 993 tỷ đồng và hơn 113 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 12% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần và lãi sau thuế hơn 2.025 tỷ đồng và hơn 231 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 23% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Cuối cùng, trong quý II, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đạt doanh thu thuần và lãi sau thuế hơn 929 tỷ đồng và hơn 324 tỷ đồng, tăng lần lượt 107% và 234% so với quý II năm trước.
Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.581 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của doanh nghiệp hơn 587 tỷ đồng, tăng hơn 220% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Kết phiên giao dịch ngày 9/8, giá cổ phiếu DHC, HAH và NLG đóng cửa ở mức 61.500 đồng/cổ phiếu, 70.100 đồng/cổ phiếu và 43.250 đồng/cổ phiếu, lần lượt tăng 1,15%, 0,29% và 2.61% so với phiên giao dịch trước đó.
Đông Nam Á chiếm số lượng lớn
Năm nay, trong danh sách của Forbes, ngoài Việt Nam, khu vực Đông Nam Á cũng có các doanh nghiệp đến từ những quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Trong đó, Thái Lan là quốc gia góp mặt nhiều doanh nghiệp nhất với 13 công ty. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Indonesia (9 công ty), Singapore (7 công ty), Malaysia (7 công ty). Việt Nam và Philippines mỗi nước đều có ba đại diện góp mặt trong danh sách của Forbes năm 2022.
Trong số các doanh nghiệp thuộc khu vực Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách của Forbes năm nay, đơn vị đang có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất là Mitra Keluarga (2,54 tỷ USD) của Indonesia, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua mạng lưới 26 bệnh viện ở Jarkarta và Java.
Ngược lại, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường thấp nhất thuộc khu vực Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách năm nay là là Eggriculture Foods (18 triệu USD) của Singapore, đơn vị sản xuất và bán các sản phẩm từ trứng, bao gồm trứng tươi và trứng đã qua chế biến, và các sản phẩm trứng tiệt trùng.