VN-Index lọt top các thị trường diễn biến tích cực nhất trong tháng 8
Báo cáo chiến lược tháng 9 của CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) chỉ ra kể từ khi tạo đáy vào giữa tháng 7, VN-Index đã củng cố xu hướng hồi phục trong tháng 8 và đóng cửa ở mức 1.282,6 điểm, tương đương tăng 6,3% so với đầu tháng và giảm 14,4% so với đầu năm.
Trong tháng vừa qua, tất cả các thị trường trong khu vực Đông Nam Á đều tăng điểm. Việt Nam với VN-Index tăng 6,3% so với đầu tháng, có hiệu suất cao hơn hầu hết các quốc gia cùng khu vực, bao gồm Malaysia (FPMKLCI, tăng 0,5% so với đầu tháng), Singapore (STI Index, tăng 1,2% so với đầu tháng), Indonesia (JCI Index, tăng 2,6% so với đầu tháng), Thái Lan (SET Index, tăng 4,3% so với đầu tháng), và chỉ thấp hơn Phillipines (PCOMP, tăng 6,9% so với đầu tháng).
Theo nhóm phân tích của VND, diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, so với các thị trường khác được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm kỳ vọng tăng trưởng GDP mạnh mẽ và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yểt khả quan trong quý III và các chính sách hiệu quả của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng đã củng cố niềm tin của thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã giảm 14,4% so với đầu năm, đã được cải thiện về thứ hạng khi vượt qua Hàn Quốc (KOSPI Index, giảm 16,7% so với đầu năm) và chỉ số thị trường mới nổi MSCI (MXEF Index, giảm 18,6% so với đầu năm).
Hầu hết các ngành đều phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8
Về diễn biến các lĩnh vực kinh doanh, nhóm bán lẻ có diễn biến kém tích cực nhất trong tháng 7, tuy nhiên, xu hướng đã được đảo ngược và bán lẻ trở thành lĩnh vực có hiệu suất cao nhất trong tháng 8 với mức tăng 16,6% so với đầu tháng dựa vào niềm tin người tiêu dùng cải thiện khi lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong quý III khi so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021.
Phục hồi ấn tượng trong tháng 7, lĩnh vực chứng khoán tiếp tục tăng mạnh 12,4% so với đầu tháng và trở thành top 2 ngành tích cực trong tháng 8. Diễn biến này được đóng góp bởi sự phục hồi của thanh khoản thị trường và thông tin về việc chu kỳ giao dịch được giảm xuống T+2 từ cuối tháng 8.
Một số ngành kinh doanh giảm sâu trong tháng 7 như dầu mỏ, nước & khí đốt, hóa chất đều chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 8. Ngược lại, chỉ có nhóm dịch vụ y tế điều chỉnh trong tháng 8.
VCB là động lực chính của VN-Index trong tháng 8
Với kỳ vọng là một trong những ngân hàng có thể được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhiều nhất, VCB đã tăng mạnh 10% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index trong tháng 8, tiếp theo là BCM (tăng 23% so với đầu tháng), NVL (tăng 12%), MWG (tăng 18%) và GAS (tăng 7%).
Top 10 mã khác đóng góp nhiều cho chỉ số bao gồm VPB (tăng 10%), HPG (tăng 9%), BID (tăng 6%), MBB (tăng 10%) và MSN (tăng 6%).
Ngược lại, VIB là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, ghi nhận mức giảm 5% kể từ đầu tháng 8. Các mã khác bao gồm VJC (giảm 2% so với đầu tháng), FLC (giảm 23%), KDC (giảm 4%), BVH (giảm 1%), KBC (giảm 2%), BAF (giảm 10%), OCB (giảm 1%), KOS (giảm 4%) và ROS (giảm 13%).