|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump đã quên mất kĩ năng giúp ông thắng cử năm 2016

10:13 | 18/09/2020
Chia sẻ
Ông Trump cần sớm nhớ lại rằng việc mang đến những lời hứa lấy được lòng cử tri là chiến thuật đúng đắn để chiến thắng cuộc bầu cử 2016. Nỗ lực thuyết phục người dân rằng họ nên bằng lòng với hiện tại trong khi kinh tế vẫn nằm trong vũng bùn sẽ không giúp ông Trump có được phiếu bầu.
Tổng thống Trump đã quên mất kĩ năng giúp ông thắng cử năm 2016 - Ảnh 1.

Ông Trump thắng cử năm 2016 một phần lớn là nhờ kĩ năng đánh giá được đâu là thỏa thuận tồi và lấy lòng cử tri bằng một thỏa thuận tốt hơn.

Vào buổi chiều tháng 5/2016, sau khi đánh bại 16 đối thủ cùng đảng để nhận được đề cử ứng viên tổng thống, ông Trump thản nhiên giải thích phương pháp thành công với nhà báo Joshua Green của Bloomberg. Ông minh họa bằng cuộc đối đầu với Chủ tịch Hạ viện tương lai Paul Ryan, một biểu tượng của phe bảo thủ muốn giảm qui mô và vai trò chính phủ.

Ông Trump nhận ra rằng kế hoạch của ông Ryan nhằm tài trợ chương trình giảm thuế cho người giàu bằng cách cắt giảm phúc lợi xã hội sẽ tổn hại đến lớp cử tri là dân lao động da trắng.

Kế hoạch này mà một thỏa thuận tồi với người dân, trong khi đó Đảng Dân chủ lại có những hứa hẹn hấp dẫn hơn. "Tôi bảo Paul rằng: "Chúng ta phải thắng cuộc bầu cử"", ông Trump nói.

Tổng thống Trump đã quên mất kĩ năng giúp ông thắng cử năm 2016 - Ảnh 2.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, ông Trump đã tạo ra sự khác biệt với các đối thủ bằng cách cam kết duy trì những chương trình phúc lợi phổ biến này. Chiến lược của ông Trump đã thành công. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri coi ông Trump là ứng viên ôn hòa nhất trong khía cạnh này và là người quan tâm đến lợi ích của người dân nhất.

Ông Trump đã bỏ qua chủ trương chính thống của Đảng Cộng hòa và đưa ra các thỏa thuận có lợi hơn cho cử tri — và họ sẵn sàng chấp nhận.

Tổng thống Trump đã quên mất kĩ năng giúp ông thắng cử năm 2016 - Ảnh 3.

4 năm sau, ông Trump rơi vào rắc rối lớn. Ngày Bầu cử sắp diễn ra trong chưa đầy hai tháng nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông đang tụt lại đằng sau đối thủ Joe Biden. Bị vùi dập bởi một đại dịch nguy hiểm, nạn thất nghiệp dai dẳng và nền kinh tế chao đảo, 75% cử tri tham gia khảo sát nói rằng Mỹ đang đi sai hướng.

Ông Trump còn rất ít thời gian để xoay chuyển tình thế. Hơn bao giờ hết, ông cần đưa ra một thỏa thuận làm vừa lòng cử tri.

Một lần nữa, Đảng Dân chủ lại đang có một thỏa thuận hào phóng hơn Đảng Cộng hòa: Gói giải cứu COVID-19 trị giá 3.000 tỉ USD đã được Đảng Dân chủ Hạ viện thông qua hồi tháng 5. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại chật vật với kế hoạch 300 tỉ USD. 

Nhưng khác với năm 2016, bản năng bán hàng của ông Trump đã khiến ông phải thất vọng. Thay vì sử dụng cứu cánh của đảng Dân chủ để thúc đẩy nền kinh tế, ông Trump đã tự nhấn chìm bản thân trong những lời chỉ trích và quên mất phải ưu tiên cho mục tiêu tái đắc cử.

Trong khi tiến trình phục hồi chậm lại, trợ cấp cho người lao động và doanh nghiệp cạn kiệt, ông Trump lại có vẻ sẵn sàng chấp nhận một điều từng có vẻ không thể tưởng tượng được: Từ bỏ các nỗ lực thúc đẩy phục hồi và mặc kệ hàng triệu người Mỹ chỉ vài tuần trước khi họ bỏ phiếu.

Chắc chắn rằng đại dịch sẽ là thách thức lớn nhất của ông Trump trong vai trò tổng thống, đồng thời là vật cản lớn nhất với triển vọng tái đắc cử. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien nói với ông Trump: "COVID-19 sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất mà ông phải đối mặt trong nhiệm kì. Nó sẽ là điều khó khăn nhất ông phải đối mặt."

Lúc đầu, ông Trump đã giảm thiểu được tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng với sự giúp đỡ của Quốc hội. Hồi tháng 3, ông kí thông qua dự luật giải cứu Cares Act với qui mô lịch sử 2.000 tỉ USD.

Nhưng hầu hết khoản mục trong gói giải cứu hồi tháng 3 đã hết hạn. Các thống đốc và thị trưởng của cả hai đảng đều nói rằng nếu không có viện trợ bổ sung, họ sẽ buộc phải sa thải hàng triệu giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa. Hàng triệu lao động trong khu vực tư nhân cũng chịu số phận tương tự.

Không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ sắp có thêm sự hỗ trợ. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều đồng tình rằng cần tung ra thêm viện trợ. Nhưng họ không thể tìm ra tiếng nói chung.

Đảng Cộng hòa thậm chí còn giảm qui mô kế hoạch giải cứu từ 1.000 tỉ USD xuống 300 tỉ USD nhưng cũng không thể thông qua được đề xuất của mình. Do không có sức ép của ông Trump, có vẻ như Quốc hội đã từ bỏ nỗ lực hỗ trợ bổ sung.

Tổng thống Trump đã quên mất kĩ năng giúp ông thắng cử năm 2016 - Ảnh 4.

Bloomberg dẫn lời bà Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics nói: "Trong tương lai gần, chúng tôi cho rằng việc thiếu sự hỗ trợ bổ sung của chính phủ sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng tới triển vọng hồi phục kinh tế và thị trường lao động".

Việc từ bỏ nỗ lực giải cứu kinh tế có thể là bước thụt lùi đau đớn. Dù tỉ lệ thất nghiệp trong tháng này đã giảm xuống dưới 10%, báo cáo việc làm của Bộ Lao động báo hiệu rằng những tổn thất từng được cho là tạm thời đang trở nên vĩnh viễn.

Gần 30 triệu người Mỹ đang sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp. Làn sóng thất nghiệp, sa thải, trục xuất mới có thể khiến giấc mơ hồi phục kinh tế hình chữ V vỡ tan tành.

Kể cả nếu kinh tế Mỹ không suy sụp lần nữa, ông Trump sẽ sớm phải đối mặt với rủi ro bầu cử mới nếu không thuyết phục Quốc hội thông qua được đợt phát tiền mặt mới và gia tăng trợ cấp thất nghiệp.

Donald Trump của 4 năm trước hiểu rõ hơn ai hết về khả năng thất bại của việc lao đầu vào cuộc bầu cử mà không có những lời chào hàng hấp dẫn. Lúc đó, ông đập nát ảo tưởng của những người bảo thủ như Chủ tịch Hạ viện tương lai Paul Ryan, vì ông hiểu rằng đó là hành động chính trị thiếu khôn ngoan.

Nhưng lần này, ông Trump đã bị thuyết phục bởi phe bảo thủ và phản đối những gì họ gọi là "gói giải cứu cho các bang của Đảng Dân chủ". Ông đã đổi những mối lo ngại kinh tế sang chiến dịch đấu tranh văn hóa.

Thay vì bỏ qua ý thích của Đảng Cộng hòa và mang đến cho cử tri một thỏa thuận tốt hơn như 4 năm trước, ông Trump đang cố gắng thuyết phục rằng họ đã có được một thỏa thuận tuyệt vời.

Nhưng cho đến nay, ông Trump vẫn chưa chốt được thương vụ. Người Mỹ có vẻ hoài nghi về sự bền vững của cuộc phục hồi: Vào tháng 8, niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Ông Trump của năm 2016 sẽ tận dụng mọi cơ hội để cải thiện khả năng đắc cử bằng một thỏa thuận hấp dẫn. Ông Trump năm 2020 không tin rằng mình phải làm vậy. Số phận của ông vào tháng 11 có thể phụ thuộc vào việc liệu ông có thay đổi quyết định hay không.

Giang