|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng Giám đốc IMF: Chia rẽ thương mại có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất đi 1.400 tỷ USD

06:00 | 20/11/2022
Chia sẻ
Xung đột Ukraine, tranh chấp thương mại, đại dịch COVID, lạm phát là những yếu tố đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Theo Bloomberg, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, sự gia tăng của các rào cản thương mại đối với Trung Quốc và các quốc gia khác có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mất đi 1.400 tỷ USD, bên cạnh những thiệt hại nghiệm trọng do xung đột Ukraine gây ra.

Bà Kristalina Georgieva trả lời phỏng vấn tại Bangkok, bên lề cuộc họp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 17/11: “Điều tôi hy vọng là một sự đảo ngược trong các khối chính sách đối với Trung Quốc và toàn cầu”.

“Thế giới sẽ mất 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ vì sự chia rẽ thành hai khối thương mại. Con số này tương đương 1.400 tỷ USD”, bà cảnh báo.

Đối với châu Á, tổn thấp có thể còn tồi tệ gấp đôi, tương đương 3% GDP, do khu vực này hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà cho hay.

Bà Georgieva nhận định rằng rủi ro lớn nhất làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu hiện nay vẫn là cuộc xung đột Ukraine. Bà nói: “Yếu tố gây tổn hại lớn nhất cho nền kinh tế thế giới là chiến tranh. Chiến tranh nên kết thúc càng sớm càng tốt”.

IMF cũng cảnh báo rằng lạm phát ảnh hưởng nặng nề nhất tới các quốc gia đang phát triển, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục đấu tranh để giảm đà tăng giá cả, và đưa ra một số hỗ trợ, đặc biệt là về chi phí lương thực.

Đồng USD mạnh lên từ đầu năm đến nay cũng đã tiếp tục gây đau đầu cho các thị trường mới nổi khi nhà tư tìm tới những  tài sản trú ẩn an toàn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có thể tiến tới suy thoái.

Bà Georgieva cho rằng các nước châu Á phải cùng nhau vượt qua tình trạng phân mảnh để duy trì tăng trưởng, đặc biệt là trước vô số cú sốc kinh tế khác nhau như COVID, xung đột Ukraine, khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bà Kristalina Georgieva tại Bangkok hôm 19/11. (Ảnh: Jack Taylor/AFP).

“Đổ thêm dầu vào lửa”

Bà Georgieva nói: “Kết hợp sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới [cùng những khủng hoảng hiện nay] chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Chẳng ai hưởng lợi từ hành động này cả”.

Tuy vậy, bà cũng cho rằng các nước châu Á đang được chuẩn bị tốt hơn nhiều để đối mặt với những cú sốc kinh tế nhờ vào nguồn dự trữ đáng kể và sự hợp tác khu vực.

Về nguy cơ gia tăng nợ công tại các nước đang phát triển, bà Georgieva cho biết IMF “chưa hoảng hốt, nhưng đã cảnh giá”. Khoảng 25% các thị trường mới nổi đang trong tình cảnh kiệt quệ, trong khi 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang gần hoặc đã rơi vào khủng hoảng nợ.

Bà khuyến khích các quốc gia gặp khó khăn cần hành động nhanh chóng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF.

Bangladesh là nền kinh tế mới nhất đạt được thỏa thuận cấp nhân viên với IMF trong bối cảnh dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Quốc gia Nam Á này có được khoản vay trị giá 4,5 tỷ USD.

Bộ phận nghiên cứu của IMF đã đưa ra triển vọng, với thông điệp rõ ràng so với tháng trước, rằng khó khăn là “rất lớn”. Tháng trước, IMF đã cắt dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3,8% vào hồi tháng 1. IMF cũng cho rằng có 25% khả năng tăng trưởng toàn cầu sẽ dưới 2%.

Tính toán của IMF cho thấy khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ có ít nhất hai quý liên tiếp thu hẹp trong năm nay và năm tới, với tổng sản lượng bị mất cho tới năm 2026 tương đương 4.000 tỷ USD.

Bà Georgieva cũng chỉ ra những khó khăn đặc biệt mà Liên minh châu Âu phải đối mặt vì xung đột Ukraine. Bà nói: “Ở châu Âu, tình hình khó khăn hơn vì tác động của xung đột Ukraine là rất lớn. Một nửa EU ít nhất có thể bị suy thoái vào năm tới”.

Minh Quang