|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tổng giám đốc Ecopark tiết kiệm từng tờ giấy vì COVID-19, nhưng không tiếc tiền phát triển thị trường

08:29 | 18/06/2020
Chia sẻ
Vị "thuyền trưởng" của tập đoàn Ecopark khẳng định chiến lược đầu tư cho hoạt động phát triển thị trường trong mùa dịch COVID-19 sẽ tạo nền tảng để doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng.

Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 là biến cố lớn nhất mà giới doanh nghiệp từng gặp trong khoảng chục năm gần đây. Do tình hình kinh doanh trở nên khó khăn trong mùa dịch, rất nhiều doanh nghiệp chủ trương giảm chi tiêu, giảm nhân sự để chờ dịch bệnh chấm dứt. 

Phát biểu trong buổi tọa đàm với chủ đề "Chiến lược nhân sự và tái cấu trúc doanh nghiệp" do chương trình "CEO - Chìa khóa thành công" tổ chức hôm 7/6, ông Trần Quốc Việt, tổng giám đốc tập đoàn Ecopark, nhận định doanh nghiệp vẫn nên đầu tư cho phát triển thị trường trong thời kì ảm đạm.

Triết lí "bán kem vào mùa đông"

Năm 2008, khi ông Việt còn là tổng giám đốc của công ty Kinh Đô Miền Bắc, tình hình thị trường rất khó khăn vì khủng hoảng tài chính châu Á. Hồi ấy, ông cảm thấy thực sự lúng túng vì chưa bao giờ đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn như thế. Mặc dù vậy, công ty vẫn tập trung mọi nguồn lực cho việc phát triển thị trường, tìm khách hàng. 

Tổng giám đốc Ecopark tiết kiệm từng tờ giấy trong mùa dịch COVID-19, nhưng vẫn ưu tiên phát triển thị trường - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Việt, tổng giám đốc tập đoàn Ecopa

"Thay vì giảm chi tiêu, án binh bất động để đợi khủng hoảng qua, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường", ông nói.

Hiện tại, ông cũng áp dụng chiến lược tương tự với tập đoàn Ecopark, đầu tư mạnh cho hoạt động phát triển thị trường khi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 bùng phát và lây lan, dù chi phí để tạo ra một đồng doanh số trong giai đoạn dịch bệnh rất cao.

"Nhu cầu thị trường giảm vì COVID-19, nhưng chúng tôi vẫn đầu tư cho phát triển thị trường, vẫn bám thị trường", ông nhấn mạnh.

Nhắc lại câu chuyện "bán kem vào mùa đông", ông Việt nói rằng nếu doanh nghiệp có thể tạo doanh số trong khủng hoảng, họ sẽ phục hồi mạnh mẽ khi khủng hoảng chấm dứt.

Để có tiền cho hoạt động phát triển đầu tư thị trường, ông Việt chủ trương giảm tối đa mọi khoản chi tiêu trong khả năng có thể, bao gồm việc tận dụng những tờ giấy phô tô một mặt.

"Khẩu hiệu của chúng tôi là hậu phương thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho tiền tuyến", ông ví von.

Đương nhiên, vị "thuyền trưởng" của Ecopark xác định doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm do ảnh hưởng của COVID-19, song ông tin rằng đầu tư cho phát triển thị trường trong khủng hoảng là chiến lược đúng.

Để giảm chi phí nhân sự, Ecopark cho 50% nhân viên nghỉ tạm thời, 30% nhân viên làm việc từ xa, và chỉ 20% nhân sự tới văn phòng, nhưng công việc vẫn "chạy" bình thường, thậm chí hiệu quả còn tăng ở một số bộ phận.

"Kết quả ấy cho thấy chúng tôi vẫn chưa quản trị và vận hành hợp lí, khiến bộ máy tạo ra sự lãng phí và không hiệu quả. COVID-19 đã giúp chúng tôi nhìn ra cơ hội tái cấu trúc để bộ máy vận hành hiệu quả và linh hoạt hơn, có khả năng thích ứng nhanh với mọi biến động của thị trường", ông Việt bình luận.

Bài học từ thời kì Đại khủng hoảng

Khủng hoảng COVID-19 khiến nhiều trưởng bộ phận tiếp thị lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh giới doanh nghiệp cố gắng cân bằng ngân sách quảng cáo với nỗ lực chống dịch, nhiều người sẽ nghĩ mỗi đồng bộ phận tiếp thị tiêu thêm sẽ làm giảm một đồng mà doanh nghiệp cần để chống "bão".

Rất nhiều trưởng bộ phận tiếp thị đã nhận chỉ thị của giám đốc điều hành về việc giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị để tiết kiệm ngân sách.

Một thập kỉ trước Đại suy thoái, một cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra ngay sau Đại chiến thế giới thứ nhất. Cuộc khủng hoảng năm 1920 xảy ra trong bối cảnh quảng cáo và truyền thông có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh.

Trong cuốn sách "Sử dụng quảng cáo trong thời kì Đại suy thoái", tác giả Roland Vaile đã theo dõi doanh thu và chi phí quảng cáo trên tạp chí của 230 doanh nghiệp từ năm 1920 tới năm 1924. Kết quả cho thấy, những doanh nghiệp tăng ngân sách tiếp thị có mức tăng doanh thu cao hơn so với những doanh nghiệp không làm vậy.

Nghiên cứu của Roland cũng chỉ ra rằng, trong thời kì suy thoái, những doanh nghiệp tăng chi tiêu cho quảng cáo có mức giảm doanh số thấp hơn nhiều so với những công ty khác. Họ phục hồi doanh thu sớm hơn trung bình một năm những doanh nghiệp giảm chi tiêu quảng cáo, rồi vượt xa về tốc độ phục hồi trong năm tiếp theo.

Gần đây, Peter Field, một nhà nghiên cứu của Viện B2B, đã công bố một nghiên cứu thú vị về cách doanh nghiệp phản ứng với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và hậu quả của những phản ứng đó với tương lai của doanh nghiệp.

Kết luận của Peter Field là: Những doanh nghiệp tăng ngân sách quảng bá trong khủng hoảng có cơ hội tăng ảnh hưởng và mức độ nhận diện thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Trong những năm sau đó, tốc độ giành thị phần của họ cao hơn so với những doanh nghiệp giảm ngân sách quảng bá.

"Giảm ngân sách quảng cáo, tiếp thị có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn. Nhưng khi khủng hoảng chấm dứt, họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho sự phục hồi dài hạn", Peter bình luận.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.



Cửu Dương

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.