Bà Thảo tiếp tục không dự phiên phúc thẩm li hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tập đoàn Trung Nguyên công bố tâm thư tố cáo
Ngày 18/11, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ li hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy nhiên, trước khi phiên xử diễn ra, nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn xin hoãn kèm theo giấy xác nhận của bệnh viện về việc bà Thảo không có sức khoẻ tốt. Vì thế, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên xử, mở lại phiên tòa vào chiều cùng ngày.
Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo và đội ngũ cộng sự trong phiên xử sơ thẩm vụ li hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Như Huỳnh
Trước đó đó, ngày 15/11, bà Thảo gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra - VKSND Tối cao, tố thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm - thực hiện hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án số 499/2015/TLST-HNGĐ ngày 17/11/2015.
Đơn của bà Thảo cáo buộc thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên tại công ty Trung Nguyên International Ptd Ltd (Singapore) ra khỏi vụ án li hôn, cấu thành một vụ án khác, dù trước đó Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị đưa tập đoàn vào khối tài sản chung, để phân chia trong vụ án li hôn.
Trung Nguyên công bố tâm thư tố bà Thảo
Trên cổng website tiếng Việt của doanh nghiệp, Tập đoàn Trung Nguyên công bố đơn "cầu cứu" với nội dung tố cáo "hành vi bất chính" của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, kêu gọi các cơ quan ban ngành, các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của 5.000 người của tập đoàn.
Lá đơn kể ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ (cha ông Vũ) và bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) góp vốn thành lập thương hiệu Trung Nguyên vào ngày 15/8/1996. Ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước đã bán hai căn nhà và các mảnh ruộng để ông Vũ thành lập công ty cà phê Trung Nguyên.
Năm 1998, ông Vũ kết hơn với bà Thảo, tức là hôn lễ diễn ra hơn 2 năm sau khi ông Vũ lập công ty. Dó đó, bà Thảo không phải là người sáng lập Trung Nguyên. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người có góp công sức vào sự phát triển của thương hiệu Trung Nguyên.
"Những gì bà Thảo được hưởng là do sự rộng lượng, không tính toán của cha mẹ ông Vũ vì tất cả là của cha mẹ ông Vũ, nhưng cha mẹ ông Vũ đã để lại cho con trai và con dâu được hưởng nhiều nhất", lá đơn khẳng định.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng các luật sư biện hộ dự phiên xử sơ thẩm, giải quyết tranh chấp li hôn giữa ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Như Huỳnh
Hôm 17/11/2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn xin li hôn yêu cầu phân chia tài sản với ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Tòa án nhân dân TP HCM.
Từ đó đến nay, bà Thảo liên tục tiến hành 19 vụ kiện tụng, yêu cầu Tòa án áp dụng 12 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, liên quan đến quyền quản lí – điều hành tập đoàn.
Hành động ấy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Ngoài ra, bà Thảo liên tục gửi đơn đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM, Cơ quan CSĐT Bình Dương để cáo buộc ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự.
Bà Thảo còn vu cáo và khủng bố tinh thần một số lãnh đạo chủ chốt, các cấp quản lí và người lao động của Tập đoàn Trung Nguyên về việc cho rằng những người này đã thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Trung Nguyên, vu cáo người lao động và Công ty Trung Nguyên làm giả hồ sơ, tài liệu.
"Với hàng loạt các hành vi mang tính chất vu cáo, phá hoại ngày càng leo thang khốc liệt; hàng loạt các thủ đoạn thâm độc, bịa đặt thông tin sai sự thật của bà Thảo nhằm mục đích chiếm đoạt bằng được Tập đoàn Trung Nguyên, thông qua việc tìm mọi cách tranh đoạt, phá nát, làm tê liệt toàn bộ các hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn", lá đơn nhấn mạnh.
Thời gian qua, Ban chấp hành công đoàn cơ sở - Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên đã nhận được rất nhiều đơn thu khiếu nại từ người lao động, về việc đề nghị Ban chấp hành công đoàn xem xét, hỗ trợ giúp đỡ người lao động có thể an tâm làm việc, tạo môi trường làm việc thuận lợi, giúp bảo vệ uy tín, danh dự vào nhân phẩm của người lao động trước những tin tức bôi nhọ, xúc phạm được đăng tài trên các báo chí – truyền thông từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Các nội dung vu cáo, bịa đặt thông tin sai sự thật nói trên của bà Thảo đã được Cơ quan Công an có thẩm quyền bác bỏ:
Cụ thể, qua quá trình xác minh, điều tra bà Thảo đã tự nguyện rút đơn tố cáo tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An TP HCM với lí do bà Thảo không cung cấp được chứng cứ chứng minh tội phạm.
Đến ngày 24/5/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận nội dung tố cáo của bà Thảo bản chất là tranh chấp dân sự về quyền điều hành, quyền sở hữu tài sản tại Trung Nguyên, trong nội bộ gia đình.
"Bất chấp các văn bản kết luận điều tra của Bộ Công an, cơ quan Công an có thẩm quyền nêu trên, bà Thảo vẫn có tình bịa đặt thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự - uy tín của Tập đoàn Trung Nguyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như gây ra tâm lí hoang mang, lo sợ cho người lao động", đơn nêu rõ.
Hồi cuối tháng 3, TAND TP HCM tuyên cho bà Thảo li hôn ông Vũ, ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm.
Đối với tài sản còn lại, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu.
Bà Thảo không chấp nhận, cho rằng tòa "thiên vị ông Vũ", kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, xin được đoàn tụ với chồng. Phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỉ lệ ông 70%, bà Thảo 30%.
VKS cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.