|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổ chức thương mại quốc tế WTO đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động do Mỹ chặn đứng việc bổ nhiệm nhân sự mới

09:43 | 01/12/2019
Chia sẻ
Thế giới sẽ không kết thúc vào ngày 10/12, tuy nhiên đối với nhiều người đã dành cả sự nghiệp trong WTO, hệ thống giám sát thương mại toàn cầu, đó là "ngày tận thế".
d7a3985a-0b72-11ea-afcd-7b308be3ba45_image_hires_195421

Ảnh minh họa: South China Morning Post.

Theo South China Morning Post, vào ngày 10/12 Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ ngừng hoạt động sau khi chính quyền Tổng thống Trump chặn đứng việc bổ nhiệm nhân sự mới vào Cơ quan Phúc thẩm trực thuộc WTO.

Nếu Cơ quan Phúc thẩm không hoạt động, các tranh chấp thương mại quốc tế có thể sẽ không được giải quyết và nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến thuế quan vượt khỏi tầm kiểm soát.

Mỹ dường như không muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng này cho đến khi các nước khác thừa nhận rằng WTO, một diễn đàn đàm phán và đồng thời là "cảnh sát thương mại" của thế giới, đã thất bại trong nhiều nhiệm vụ.

Ông Stephen Vaughn, cựu quan chức thương mại cấp cao tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định: "Tôi không nghĩ vào thời điểm này chính quyền Tổng thống Trump đã đủ hài lòng với đáp án họ nhận được từ cách thành viên khác".

Cuộc khủng hoảng còn cho thấy nhiều rạn nứt nghiêm trọng hơn tại WTO. Với 164 nước thành viên có mức độ phát triển kinh tế khác nhau, WTO gần như đã thất bại trong việc đưa ra các qui tắc mới cho một nền thương mại tự do hơn kể từ khi nó được thành lập vào năm 1995.

Mỹ có thể dùng chương trình nghị sự để tác động đến WTO hơn nữa sau khi Bloomberg đưa tin hồi đầu tháng 11 rằng Washington đã bỏ ngõ khả năng chặn phê duyệt ngân sách hai năm một lần cho tổ chức này. Không có tiền, WTO sẽ đóng cửa vào năm tới.

"Điều này có chút đáng thất vọng: Con tàu Titanic (WTO) đã đâm phải tảng băng trôi. Nó sẽ không chìm ngay trong 13 phút nhưng nó rõ là đang chìm và làm thế nào để chúng ta cứu nó?", ông Deborah Elms, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Thương mại châu Á, nhận mạnh.

"Mọi người đang xếp ghế thưởng thức và ban nhạc thì chưa bao giờ chơi hay hơn. Tuy nhiên vào lúc này, con tàu sắp chìm xuống và làm sao bạn giải quyết vấn đề khi người khác thậm chí không muốn chấp nhận sự thật con tàu đâm phải tảng băng trôi?", ông nói thêm.

Bằng cách nào WTO đi xuống đến vậy?

Mỹ có một danh sách dài các khiếu nại với Cơ quan Phúc thẩm của WTO, chốt chặn cuối cùng mà trong suy nghĩ của một số người, là qui trình giải quyết tranh chấp quá dài và không cần thiết.

Báo cáo thường niên năm 2018 của Cơ quan Phúc thẩm cho thấy, một tranh chấp thương mại trung bình mất 859 ngày ở cấp hội thẩm, thêm 395 ngày ở cấp phúc thẩm, tức tổng cộng 1.267 ngày (tương đương 3,5 năm). Đây là một quãng thời gian dài cả đời người trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

Cơ quan Phúc thẩm thường có 7 người nhưng cần tối thiểu ba thẩm phán để xét xử các vụ án và đưa ra phán quyết. Nhiệm kì của hai trong số ba thẩm phán hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 10/12, từ đó chỉ còn lại một thẩm phán, giáo sư Trung Quốc Hong Zhao.

Phản đối lớn nhất từ phía Mỹ là về cách các thành viên trong hội đồng đưa ra qui tắc riêng nhưng thiếu vắng hướng dẫn rõ ràng từ nhiều thỏa thuận mà các nước thành viên đã kí kết kể từ khi WTO thành lập 24 năm về trước.

"Tôi nghĩ đã rõ rằng trong một thời gian dài, Cơ quan Phúc thẩm đã tự ý quyết định những khía cạnh mà các thành viên không bàn đến", ông Vaughn nói thêm.

"Mỹ đã lưu tâm đến vấn đề đó từ rất lâu trong khi các thành viên khác, trong đó Liên minh châu Âu (EU), lại ít chú ý hơn và đây chính là thứ mà tôi nghĩ Washington thực sự đang kêu gọi mọi người cân nhắc nghiêm túc", cựu quan chức thương mại Mỹ nói.

Thái độ bất bình của Mỹ đối với Cơ quan Phúc thẩm không bắt buồn từ thời ông Trump. Năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã ngăn cựu thẩm phán Seung Wha Chang (Hàn Quốc) phục vụ nhiệm kì thứ hai. Ông Seung bị cáo buộc vượt quá phạm vi thẩm quyền trong nhiều phán quyết của mình.

Chính quyền ông Obama cũng ngăn chặn việc tái bổ nhiệm bà Jennifer Hillman, một cựu quan chức thương mại Mỹ, vì lo ngại bà này không đủ mạnh mẽ để phản đối các phán quyết gây tổn hại cho luật thương mại Mỹ.

"Mỹ đã gây ra một cuộc khủng hoảng bên trong Cơ quan Phúc thẩm của WTO vì chúng tôi tin rằng họ đã quá xa rời tôn chỉ hoạt động trong nhiều năm qua và cuộc khủng hoảng là cần thiết để thay đổi vai trò của hệ thống giám sát thương mại này", ông Robert Holleyman, Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời ông Obama, cho hay.

Mỹ xem vai trò của Cơ quan Phúc thẩm là nơi thực thi nghiêm chỉnh một "thỏa thuận" mà các nước thành viên WTO đã nhất trí. Tuy nhiên, EU và nhiều quốc gia khác xem cơ quan trên như một tòa án có khả năng tạo ra qui định mới cho WTO, Phó Tổng giám đốc WTO Alan Wolff chia sẻ gần đây.

Trong một cuộc họp cấp cao hồi tháng 10, bà Dennis Shea, Đại sứ Mỹ tại WTO, cho biết "rất khó để mường tượng ra cách chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho một 'vấn đề' mà chúng ta thừa nhận không tồn tại".

Những người ủng hộ chiến thuật của ông Trump cho biết hậu quả tiêu cực của việc đóng của Cơ quan Phúc thẩm đã bị phóng đại quá mức. Ngay cả khi các quốc gia không thể kháng cáo, khiếu nại thương mại vẫn có thể được nêu ra và giải quyết theo hướng chính thức hoặc không chính thức ở các cấp thấp hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ có thể cải tổ Cơ quan Phúc thẩm, các quan chức Mỹ vẫn còn một loạt các thay đổi khác mà họ muốn thấy tại WTO.

Các thay đổi nói trên bao gồm việc siết chặt qui định để các quốc gia như Trung Quốc không tự tuyên bố họ là nước "đang phát triển" để nhận ưu đãi nhất định về thương mại. Ngoài ra, Mỹ còn muốn sự minh bạch hơn từ tất cả thành viên, đặc biệt là Trung Quốc, về các khoản trợ cấp dành cho doanh nghiệp nội địa có định hướng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Một WTO suy yếu có thể đưa thế giới về kỉ nguyên mà các nước mạnh về kinh tế sẽ điều khiển những nước khác.

Trước khi WTO thiết lập qui trình giải quyết tranh chấp cứng nhắc, thương mại thế giới được điều chỉnh bởi Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại, trong đó giải quyết tranh chấp thương mại thông qua cơ chế ngoại giao thay vì theo cách có chủ ý và hợp pháp.

Trung Quốc liên quan thế nào với viễn cảnh đóng cửa của WTO?

Thái độ bất mãn của ông Lighthizer với qui trình giải quyết tranh chấp của WTO chỉ trở nên tồi tệ hơn sau khi Trung Quốc gia nhập tổ chức thương mại này vào năm 2001.

"Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO không được thiết lập để xử lí vấn đề chính trị và pháp lí, do đó mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản mà WTO được thành lập dựa trên đó", ông Lighthizer đề cập đến Trung Quốc vào năm 2010.

Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, một cựu luật sư, đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để bảo vệ lợi ích của các công ty thép Mỹ thông qua việc nộp đơn xin hộ trước vấn nạn định giá sản phẩm không công bằng và các khoản trợ cấp chính phủ Trung Quốc dành cho nền kinh tế nội địa.

Sự thất vọng của ông đối với Cơ quan Phúc thẩm tăng lên sau khi các phán quyết liên tục làm suy yếu hệ thống luật pháp Mỹ, vốn được sử dụng để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước Trung Quốc và các chủ thể xấu khác.

"Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bán phá giá và thuế đối kháng với sản phẩm thép, mà theo tôi các phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm thực sự không thể chấp nhận được", ông Lighthizer khẳng định vào năm 2017.

Chính quyền Tổng thống Trump, các liên đoàn lao động và nhiều tổ chức khác xem tư cách thành viên WTO của Trung Quốc là tiếng chuông báo tử cho ngành sản xuất Mỹ.

Sự thất bại của WTO trong việc giải quyết các vấn đề như trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng ép buộc chính quyền ông Trump phải hành động đơn độc, từ đó gây ra cuộc chiến thương mại hiện tại.

Khả Nhân