Hà Nội 17 °C | 10:06PM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WTO cho phép đánh thuế lên 3,6 tỉ USD hàng hóa Mỹ, Trung Quốc có thêm vũ khí trên bàn đàm phán

13:40 | 02/11/2019
Chia sẻ
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép Trung Quốc áp thuế trừng phạt lên 3,6 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Đây là vụ kiện Bắc Kinh đệ trình từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, nhưng nó có thể gây thêm căng thẳng cho quá trình đàm phán ở thời điểm hiện tại.
2019-10-31t002835z_2_lynxmpef9u01a_rtroptp_4_usa-trade-china

Ảnh: Reuters

Bắc Kinh có thêm vũ khí mới trong đàm phán thương mại với Washington

Trong một tài liệu công bố hôm 1/11 trên trang web của WTO, mức phạt Trung Quốc có thể áp dụng đối với hàng hóa Mỹ xếp hạng cao thứ ba trong lịch sử của tổ chức có trụ sở tại Geneva này.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã yêu cầu WTO cho phép đánh thuế hơn 7 tỉ USD hàng hóa Mỹ, trong đó Bắc Kinh lập luận rằng một số qui định chống bán phá giá của Washington là bất hợp pháp.

Vụ kiện trên bắt đầu từ trước khi cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, từ đó dẫn đến chính sách thuế quan "ăn miếng trả miếng" đối với khoảng 500 tỉ USD hàng hóa song phương.

Mặc dù phán quyết không liên quan đến các cuộc đàm phán hiện tại nhằm chốt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nó lại cung cấp cho Bắc Kinh một vũ khí mới và hợp pháp để chống lại chính quyền Tổng thống Trump khi cần.

Phương pháp tính thuế phá giá hàng hóa gây tranh cãi của Mỹ

Phán quyết trên cũng được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang chỉ trích thậm tệ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, khi mà nhiệm kì hiện tại của hai trong số ba thẩm phán cấp cao thuộc cơ quan phúc thẩm sẽ chấm dứt vào tháng 12 và Washington đã chặn đứng việc bổ nhiệm mới.

Chính quyền Tổng thống Trump có khả năng dẫn vụ kiện của Trung Quốc như một ví dụ cho thấy hành vi vượt thẩm quyền của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Trung Quốc lúc này có thể yêu cầu cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO cho phép áp thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Mỹ. Các yêu cầu như vậy thường sẽ được phê duyệt.

Ở bước kế tiếp, Mỹ có thể tiến hành sửa đổi các qui định chống bán phá giá bất hợp pháp đối với những sản phẩm Trung Quốc đang được đề cập hoặc giải quyết tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc - một động thái mà về mặt lí thuyết có thể xảy ra như một phần của thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Vấn đề cốt lõi trong đơn kiện của Trung Quốc chính là thuế chống bán phá giá Mỹ áp dụng đối với 13 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, gồm máy móc, thiết bị điện tử, kim loại và khoáng sản.

Bắc Kinh lần đầu đệ trình đơn kiện vào năm 2013 và một hội đồng WTO đã ra phán quyết có lợi cho nước này vào năm 2016.

Điểm gây tranh cãi là phương pháp mà Mỹ sử dụng để tính thuế chống bán phá giá, cụ thể là cách Washington dùng phương pháp "qui về 0" (zeroing) để so sánh giá nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ với giá thông thường tại nước xuất sang Mỹ, để từ đó xác định biên độ phá giá.

Do đó, phương pháp qui về 0 làm lệch các tính toán về thuế chống bán phá giá bằng cách thổi phồng sự khác biệt về giá cả.

WTO đã nhiều lần ra phán quyết chống lại việc sử dụng phương pháp trên. Tuy nhiên, vì áp lực trong nước từ các ngành công nghiệp dựa vào thuế chống bán phá giá để tránh nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn từ Trung Quốc và một số thị trường khác, Mỹ từ lâu đã chống lại các phán quyết này.

Lập trường của Đại diện Thương mại Mỹ

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cựu luật sư chuyên về chống bán phá giá trong ngành thép, là người từ lâu đã ủng hộ việc sử dụng phương pháp qui về 0.

Theo ông Stephen Vaughn, đối tác tại công ty luật King & Spalding, phán quyết của WTO "cho thấy các quốc gia như Trung Quốc đang sử dụng hệ thống đó để khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong đối phó với hành vi thương mại không công bằng ở nước ngoài".

Theo Bloomberg, cho đến đầu năm nay ông Vaughn vẫn là cánh tay phải đắc lực của ông Lighthizer, đồng thời kiêm nhiệm luôn chức cố vấn chung của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

"Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ thuộc cả hai đảng đã cảnh báo các quan chức tại WTO rằng những phán quyết như thế này khiến người Mỹ không thể tin tưởng vào quá trình giải quyết tranh chấp của họ", ông Vaughn nói. "Thật đáng tiếc khi những lời cảnh báo đó không được xem trọng".

Khả Nhân

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.