|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

WTO: Tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ 'giảm tốc'

21:33 | 05/04/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo “Thống kê và Triển vọng Thương mại Toàn cầu” được công bố ngày 5/4 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 1,7% trong năm 2023, sau mức tăng trưởng 2,7% vào năm 2022. Đây là một mức tăng ít hơn sự gia tăng kỳ vọng do sự sụt giảm mạnh trong quý IV/2022.

Các nhà kinh tế của WTO cho biết khối lượng thương mại hàng hóa thế giới năm 2023 có thể vẫn ở mức dưới trung bình mặc dù dự báo GDP đã được tăng nhẹ kể từ mùa thu năm ngoái do chịu tác động do ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và sự không chắc chắn của thị trường tài chính.

Các dự đoán về thương mại của WTO, được đưa ra trong báo cáo nói trên ước tính mức tăng trưởng GDP thực trên toàn cầu theo tỷ giá hối đoái thị trường là 2,4% cho năm 2023. Các dự báo về cả tăng trưởng thương mại và sản lượng đều thấp hơn mức trung bình trong 12 năm qua lần lượt là 2,6% và 2,7%.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết: “Thương mại tiếp tục là động lực giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng nó sẽ vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài trong năm 2023. Điều này khiến các chính phủ càng cần phải tránh sự phân mảnh và kiềm chế thương mại từ việc đưa ra những trở ngại cho thương mại. Đầu tư vào hợp tác đa phương về thương mại, như các thành viên WTO đã làm tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 vào tháng 6 năm ngoái, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân trong dài hạn”.

Mức tăng 2,7% trong khối lượng thương mại thế giới vào năm 2022 thấp hơn so với dự báo 3,5% vào tháng 10 của WTO, do mức giảm hàng quý so với dự kiến trong quý IV đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng trong năm. Một số yếu tố góp phần vào sự sụt giảm đó, bao gồm giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát và sự bùng phát của COVID-19 đã làm gián đoạn sản xuất và thương mại ở Trung Quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng thương mại năm ngoái phù hợp với kịch bản cơ sở 2,4% đến 3,0% trong báo cáo ban đầu của WTO về xung đột ở Ukraine vào tháng 3/2022, và cao hơn nhiều so với kịch bản bi quan hơn, trong đó thương mại chỉ tăng 0,5% khi các quốc gia bắt đầu chia thành các khối kinh tế cạnh tranh.

Một nghiên cứu tiếp theo mà WTO công bố vào tháng trước đã ghi lại cách các nền kinh tế dễ bị tổn thương có thể bù đắp cho nguồn cung cấp lương thực thiết yếu bị cắt giảm do xung đột bằng cách tìm kiếm các sản phẩm và nhà cung cấp thay thế.

Trong khi đó, dự báo 1,7% cho tăng trưởng thương mại vào năm 2023, tăng so với ước tính trước đó là 1,0% từ tháng 10 năm ngoái. Một yếu tố quan trọng ở đây là việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, dự kiến sẽ giải phóng nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén ở nước này, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế.

Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa cho biết: “Những tác động kéo dài của COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thương mại và sản lượng trong năm 2022 và điều này cũng có thể xảy ra vào năm 2023.

Việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến cũng bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính rộng lớn hơn nếu không được kiểm soát. Các chính phủ và cơ quan quản lý cần phải cảnh giác với những điều này và các rủi ro tài chính khác trong những tháng tới”.

Dự kiến trong năm 2024, tăng trưởng thương mại sẽ tăng trở lại 3,2%, khi GDP tăng lên 2,6%, nhưng ước tính này không chắc chắn do có những rủi ro giảm đáng kể, bao gồm căng thẳng địa chính trị, lương thực cú sốc nguồn cung lương thực và khả năng hậu quả không lường trước được từ việc thắt chặt tiền tệ.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.