Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập: 'Không phải cứ dự báo khó là xuất khẩu Việt Nam năm 2023 sẽ chùn bước'
Mở đầu câu chuyện đầu xuân với tin vui kim ngạch xuất khập khẩu năm 2022 của Việt Nam lần đầu cán mốc 732,4 tỷ USD, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng đây là những trái ngọt các doanh nghiệp sản xuất "hái" được trong một năm vô cùng biến động.
Đằng sau những con số kỷ lục, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng những thách thức năm 2023 vẫn đang chờ và doanh nghiệp không thể "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" mà phải linh hoạt mở rộng, khai thác thị trường nội địa và quốc tế để vượt qua một năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn.
2021-2022 là giai đoạn kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế, song kết quả xuất nhập khẩu liên tục lập kỷ lục. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 732,4 tỷ USD, theo bà, điều gì đã làm nên kết quả này?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Quả thật kết quả xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022. Đây được xem là trái ngọt cho những nỗ lực đặc biệt kiên cường của các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu Việt để vượt qua những khó khăn chưa từng có từ dịch bệnh, từ những biến động địa chính trị, lạm phát, tỷ giá, năng lượng, chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, một số nhân tố quan trọng khác cũng có thể đã góp phần vào kết quả này.
Thứ nhất, 2022 là năm mà cả 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều phát huy hiệu lực, mang lại lợi thế ưu tiên về thuế quan và hàng rào phi thuế cho Việt Nam trong trao đổi thương mại với 53 đối tác, chiếm tới hơn 70% tổng xuất nhập khẩu của chúng ta với thế giới.
Thứ hai, trong một số ngành, lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy tận dụng được các khoảng trống cơ hội thị trường từ chính sách Zero-COVID của Trung Quốc, từ những thay đổi trong nhiều chuỗi cung dưới ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine, hay từ sự dịch chuyển nhu cầu tiêu dùng hay các chuỗi sản xuất ở một số thị trường.
Thứ ba, xu hướng tăng giá của hàng hóa trong năm 2022, đặc biệt là thực phẩm, chi phí đầu vào, nhiên liệu… có thể đã làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu theo cách mà doanh nghiệp không mong chờ.
Và ở góc độ quản lý, không thể không nhắc tới những trợ lực đáng kể từ các chính sách điều tiết kinh tế, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá…được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là linh hoạt, hợp lý của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhằm giúp doanh nghiệp có một nền tảng tương đối ổn định để duy trì sản xuất kinh doanh.
Thưa bà, liệu có "tảng băng chìm" nào phía dưới con số 732,4 tỷ USD?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: 732,4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu là một con số ấn tượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên những góc khuất đằng sau con số này.
Chẳng hạn như các doanh nghiệp nội địa đóng góp chưa tới 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch cao nhưng lợi nhuận thực của nhiều doanh nghiệp lại giảm sút. Hay sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu đang giảm tốc, chỉ gần 11% năm 2022 trong so sánh với mức gần 19% của 2021.
Đó là chưa kể tới thực tế là đóng góp cho số liệu xuất nhập khẩu năm 2022 chủ yếu là động lực của các quý đầu năm trong khi cuối quý III và đầu quý IV tình hình đã chậm lại.
Dự báo tình hình kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống, liệu xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 có thể duy trì được đà tăng trưởng, đặc biệt với xuất khẩu. Những ngành nào có thể đối mặt rủi ro “đi lùi” so với năm 2022, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Theo dự báo của nhiều tổ chức, tình hình không mấy khả quan cho thương mại quốc tế. Ví dụ như dự báo công bố hồi tháng 10 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với 2021.
Riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở Đức, Italy, hai thị trường xuất khẩu trong top đầu EU của Việt Nam.
Tương tự, WTO cũng dự báo tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn sẽ giảm (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12,3% năm 2021; EU thậm chí là -0,7%, trong khi 2022 tăng 5,4% và 2021 8,3%).
Người tiêu dùng khó khăn dẫn tới thắt chặt chi tiêu, lượng hàng tồn kho lớn ở nhiều thị trường từ đợt mua cấp tập hồi cuối dịch COVID-19, Trung Quốc đang mở cửa trở lại khiến nguồn cung có thể tăng lên… đều là những dấu hiệu không thuận cho xuất khẩu Việt Nam năm 2023.
Bản thân nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong một số ngành hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… đã bắt đầu thiếu vắng các đơn hàng từ cuối năm 2022 và hiện vẫn chưa có bao nhiêu đơn hàng mới cho năm 2023.
Ngoài lạm phát, đơn hàng giảm, những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường được cho là "cú đấm bồi" với doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt ở những ngành chủ lực như thép, gỗ... Xin bà cho biết những vụ kiện này có xu hướng gia tăng trong năm 2023 và bà có khuyến cáo gì cho doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tính tới cuối năm 2022, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của tổng cộng 225 vụ điều tra, cả chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh thuế, ở trên 20 thị trường xuất khẩu.
Năm 2022 không phải là năm kỷ lục của các vụ việc này, nhưng lại đáng lo ngại ở chỗ số vụ kiện chống lẩn tránh thuế tăng, tức là chúng ta đang bị vạ lây từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà các thị trường xuất khẩu đang áp với các nước láng giềng quanh Việt Nam. Điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm gỗ hay thép.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng hiện tại không có sản phẩm xuất khẩu nào miễn nhiễm với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Bất kỳ sản phẩm nào xuất khẩu có thể khiến ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu quan ngại thì đều có nguy cơ.
Trong năm 2023 tới đây, tình hình kinh tế ở nhiều nước được dự báo là sẽ khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ngành sản xuất nội địa ở các thị trường này có xu hướng tìm tới bất kỳ công cụ nào có thể giúp họ “chặn” hàng nhập khẩu.
Mà phòng vệ thương mại dường như là một công cụ lý tưởng cho điều này, nhất là đối với các nguồn cung hàng chưa được công nhận kinh tế thị trường và thường phải chịu phương pháp tính toán bất lợi trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp như Việt Nam. Việc các thị trường FTA tiếp tục lộ trình mở cửa cũng có thể khiến nguy cơ bị kiện ra tăng.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lúc phải tìm cách xoay xở để xuất khẩu cũng đồng thời phải sẵn sàng cho những rủi ro về phòng vệ thương mại.
2023 đã đến, mang theo cả cơ hội và thách thức. Theo bà, đâu sẽ là động lực cho các doanh nghiệp vượt qua những biến động thị trường?
TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Tất nhiên không phải cứ dự báo khó là xuất khẩu Việt Nam sẽ chùn bước. Còn nhớ trong giai đoạn COVID-19 khó khăn như vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn vượt được qua khe cửa hẹp, tăng 7% năm 2020 và 19% năm 2021. Hơn nữa, ở nhiều thị trường, chúng ta đã và đang có thêm nhiều lợi thế ưu đãi theo lộ trình thực thi các FTA mà không nhiều đối thủ cạnh tranh có được.
Dù vậy, có điều chắn chắn là các doanh nghiệp sẽ rất vất vả để có thể giữ và tiếp tục mở rộng xuất nhập khẩu, trong bối cảnh đầu ra khó, mà chi phí đầu vào đang tăng không ngừng (từ chi phí vốn, tới nguyên vật liệu, lao động…).
Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, linh hoạt chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình (đơn nhỏ, giao nhanh), tìm cách khai thác thị trường 100 triệu dân nội địa… đang là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện lúc này.
Trong quá trình này, nếu doanh nghiệp có được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước thì sẽ rất quý giá, ví dụ như việc kéo dài các biện pháp hỗ trợ như đã thực hiện trong giai đoạn COVID, thúc đẩy các gói hỗ trợ lãi suất mới, giảm các loại phí gắn với hoạt động kinh doanh…
Cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn!