Tình hình tài sản của Masan thay đổi ra sao sau khi hợp nhất với VinCommerce?
Quí IV năm 2019, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đạt doanh thu thuần gần 11.000 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 31%.
Tuy vậy, lợi nhuận ròng trong quí đạt 1.748 tỉ đồng, tăng 36% với nguyên nhân đến từ việc tăng lợi nhuận tài chính, tăng lợi nhuận từ các công ty liên kết và giảm chi phí bán hàng. Ngoài ra, lợi nhuận khác của Masan Group cũng đạt hơn 90 tỉ đồng, tăng mạnh so với quí IV năm ngoái.
Theo Masan Group, trong quí IV, Masan Consumer Hodings (MCH) tăng trưởng doanh thu 15% nhờ chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng trưởng của ngành hàng đồ uống. Đối với dự án MEATDeli, doanh thu trong tháng 12 chạm mốc 100 tỉ đồng.
Hay tại dự án Núi Pháo cũng có những tín hiệu tích cực khi giá vonfram phục hồi sau khi chạm đáy từ 180 USD/MTU lên 235 - 245 USD/MTU.
Trong quí, Masan Group cũng đã thực hiện hai thương vụ sáp nhập quan trọng, giúp hoàn thiện mảnh ghép chiến lược trung hạn là với VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup và mua lại đa số cổ phần Bột giặt NET.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, Tổng giám đốc Masan Group: “Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan”.
Ông Quang cho rằng, hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng, tuy nhiên việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi đang trở thành những nhu cầu cơ bản. Vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VCM với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan Group sẽ giúp công ty có lợi thế vượt trội.
Cả năm 2019, Masan Group đạt doanh thu 37.350 tỉ đồng, giảm 2%; lợi nhuận ròng đạt 6.365 tỉ đồng, tăng 13%. Chênh lệch này chủ yếu đến từ gần 1.100 tỉ đồng lợi nhuận hoạt động khác, chủ yếu phát sinh trong quí III.
Doanh thu của Masan Resources đạt hơn 4.700 tỉ đồng, giảm 31%, nguyên nhân do giá vonfram giảm và trì hoãn việc bán đồng, tuy nhiên doanh số bán Florit lại cao hơn.
Doanh thu của Masan MEATLife giảm nhẹ, đạt 13.800 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi dẫn đến giảm nhu cầu về thức ăn gia súc, bù lại là tăng doanh thu thức ăn gia cầm và thức ăn cá.
Đối với Masan Consumer Holdings, doanh thu tăng 9% đạt 18.845 tỉ đồng. Công ty các phát kiến ra mắt năm 2019 đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên chưa đóng góp vào doanh thu như kế hoạch.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của Masan Group tăng gấp rưỡi sau khi hợp nhất cùng VCM, đạt gần 97.300 tỉ đồng. Theo đó, tài sản ngắn hạn tăng gấp đôi lên hơn 24.200 tỉ đồng do tăng hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn.
Tài sản dài hạn tăng 40% lên 73.000 tỉ đồng chủ yếu do tăng tài sản cố định, chi phí trả trước và lợi thế thương mại ghi nhận gần 4.000 tỉ đồng.
Tổng nợ phải trả của Masan Group cũng tăng gấp rưỡi lên gần 45.400 tỉ đồng, trong đó khoản mục vay và trái phiếu ngắn hạn tăng gấp đôi đạt hơn 18.300 tỉ đồng, vay và trái phiếu dài hạn cũng ở mức gần 11.700 tỉ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng từ 34.000 tỉ đồng lên gần 51.900 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng từ 16.200 tỉ đồng lên gần 28.600 tỉ đồng.