|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch, Quĩ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) không còn là cổ đông tại công ty sở hữu chuỗi Vinmart và VinEco

12:37 | 19/02/2020
Chia sẻ
Trước đó, GIC đã rót 500 triệu USD để đổi lấy 16,26% cổ phần tại VCM, đơn vị sở hữu cả chuỗi Vinmart và VinEco.

Theo thông tin đăng kí doanh nghiệp cập nhật mới nhất, hai tổ chức Credit Suisse AG chi nhánh Singapore và Ardolis Investment, đại diện cho quĩ đầu tư của Chính phủ Singapore - GIC hiện không còn sở hữu cổ phần tại CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM.

Công bố cho biết, vốn điều lệ của VCM dù giữ ở mức không đổi 6.437 tỉ đồng, nhưng 100% đã thuộc về tư nhân trong nước. 

Đầu tháng 9/2019, GIC đầu tư 500 triệu USD (tương đương 11.600 tỉ đồng) vào VCM, đổi lại là 16,26% cổ phần công ty này. VCM khi đó là doanh nghiệp mới được CTCP Tập đoàn Vingroup thành lập, tiếp quản và vận hành VinCommerce và VinEco. Khoản đầu tư của GIC giúp nâng định giá của VCM lên 3,08 tỉ USD, trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam cả về qui mô và giá trị.  

Tuy nhiên đến tháng 12/2019, Vingroup bất ngờ chuyển giao VCM cho CTCP Tập đoàn Masan trong thương vụ sáp nhập kỉ lục ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng. 

Masan cho biết nhận về 83,74% cổ phần tại VCM, và phát hành quyền chọn nhận 30% cổ phần trong công ty hợp nhất (là sự kết hợp giữa VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings). Phần sở hữu của GIC không được nhắc đến trong thông cáo này khiến nhiều người đặt câu hỏi về động thái tiếp theo của quĩ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore. 

Theo tìm hiểu, công ty hợp nhất giữa VCM và MasanConsumerHoldings hiện chưa có tên gọi chính thức, tuy nhiên tình hình chuyển giao đã có những bước tiến nhất định. 

Ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch, Quĩ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) không còn là cổ đông tại công ty sở hữu chuỗi Vinmart và VinEco - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Group

Từ tháng 12/2019, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Masan Group được bầu làm Chủ tịch HĐQT tại cả Công ty VCM và CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce. Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch CTCP Hàng tiêu dùng Masan làm Tổng giám đốc tại Công ty VCM. 

Báo cáo tài chính quí IV của Masan Group cũng đã thay đổi các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán. Qua đó với sự góp mặt của VCM, tài sản Masan Group đạt gần 97.300 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi; tương tự, nợ phải trả tăng từ 30.500 tỉ đồng lên 45.400 tỉ đồng. Trong đó các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn 18.340 tỉ đồng, tăng gấp đôi; vay và trái phiếu dài hạn 11.676 tỉ đồng, giảm 8,5%. 

Trong hai quí đầu năm 2020, Masan Group có kế hoạch phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn ba năm, trong đó sẽ trích 3.000 tỉ đồng cấp khoản vay cho Công ty TNHH MasanConsumerHoldings. 

Năm nay, VCM đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 45.000 - 48.000 tỉ đồng; EBITDA từ -3% đến điểm hòa vốn. Công ty cho biết sẽ tăng cường hệ thống tại TP Hà Nội để củng cố thị phần, trong khi đó sẽ chọn lọc các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận. 

Dự kiến VCM sẽ đóng cửa từ 150 - 300 cửa hàng không đạt chỉ tiêu, tăng mức đóng góp doanh thu từ các sản phẩm tươi sống lên từ 30% - 35% nhờ vào tăng trưởng MEATDeli và VinEco.

Bạch Mộc